Đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng: Tăng cường tuyên truyền, quyết liệt đấu tranh
- Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng trong cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng diễn biến phức tạp. Đấu tranh với loại tội phạm này được coi là “mặt trận không tiếng súng” đã và đang được lực lượng công an tỉnh quyết liệt triển khai, góp phần bảo vệ tài sản, uy tín, danh dự cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thời gian qua, thông qua phương thức như: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát đang điều tra vụ án yêu cầu chuyển tiền; tặng quà yêu cầu trả phí; đầu tư sàn thương mại ảo, tuyển cộng tác viên mua bán hàng hóa; vay tiền online hay lừa đổi ngoại tệ... các loại tội phạm trên không gian mạng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản của người dân. Nhiều người do thiếu cảnh giác, không cẩn thận trong xác minh thông tin nên đã trở thành nạn nhân.
Đồng bộ giải pháp phòng ngừa
Thượng tá Hoàng Gia Định, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa các loại tội phạm trên không giang mạng nói chung, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền qua hội nghị chuyên đề, lồng ghép trong các hội nghị; các buổi ngoại khóa ở trường học; các cuộc phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên fanpage các đơn vị, trang thông tin điện tử Công an tỉnh… Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân; cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.
Trong năm 2023, công an toàn tỉnh đã tổ chức được trên 2.400 buổi tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an trên địa bàn đã tổ chức khoảng 1.000 cuộc tuyên truyền pháp luật, phát 48.000 tờ rơi tuyên truyền các nội dung, trong đó có nội dung về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; phối hợp xây dựng 30 chuyên mục “Vì an ninh Xứ Lạng” với 405 tin, bài, phóng sự, 399 ảnh đăng tải trên báo, đài trung ương và địa phương; đăng tải 200 tin, bài, phóng sự trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh phục vụ truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; hướng dẫn người dân bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng, phòng ngừa bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đáng chú ý, các đơn vị công an trên địa bàn tỉnh vận động quản trị viên các hội, nhóm, người có ảnh hưởng trên không gian mạng phối hợp tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm; nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua đồ họa sinh động, dễ đọc, dễ hiểu, phổ biến đến người dân kiến thức bảo vệ an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu số trên không gian mạng… Riêng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động fanpage của đơn vị, bình quân đăng tải hơn 20 bài viết/tháng tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để người dân cảnh giác. Từ năm 2023 đến nay, fanpage của đơn vị đã đăng tải trên 300 bài viết mới, các bài viết có tổng số hơn 6.000 lượt thích, hơn 1.000 lượt chia sẻ, hơn 25.000 lượt tương tác, trên 268.000 lượt tiếp cận; trong đó, riêng từ đầu năm 2024 đến nay đăng tải 105 bài viết mới, trong đó có 38 bài cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.
Thêm vào đó, lực lượng công an tỉnh còn tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng, phòng ngừa bị các đối tượng xâm nhập để thực hiện ý đồ xấu; làm tốt công tác nắm tình hình, tổ chức ngăn chặn, báo xấu các tài khoản mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã tham mưu Tiểu ban An toàn an ninh mạng tỉnh thành lập đoàn kiểm tra tại 15 cơ quan, ban, ngành, phát hiện trên 470 lỗ hổng bảo mật tại 12 trang thông tin điển tử; 62 máy chủ và trên 1.000 máy tính...
Thông qua các giải pháp trên đã góp phần đảm bảo an toàn an ninh mạng, an ninh trật tự trên không gian mạng, bảo vệ tài sản, danh dự và cuộc sống bình yên cho các tầng lớp Nhân dân.
Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm trên không gian mạng; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân cho người lạ, không truy cập đường link lạ; xác minh các cuộc gọi qua mạng xã hội hoặc tin nhắn vay, mượn tiền... Khi gặp các trường hợp nghi vấn cần kịp thời thông báo ngay cho công an địa phương gần nhất, qua đó bảo vệ tài sản, uy tín, danh dự bản thân, gia đình và góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. |
Quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn
Song song với giải pháp phòng ngừa, lực lượng công an toàn tỉnh chủ động nắm bắt tình hình trên không gian mạng, phát hiện và đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm của đối tượng để lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2023, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phát hiện 102 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin và mạng viễn thông; đã điều tra, làm rõ, khởi tố 32 vụ, 67 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng trên Interner, đánh bạc trên không gian mạng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phát hiện làm rõ 8 vụ, 10 đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng bao gồm: 7 vụ, 8 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Điển hình, hồi cuối tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của 2 đối tượng: Nguyễn Thế Cẩm, sinh năm 1992; Nguyễn Thế Thanh, sinh năm 1991, cùng trú tại thôn Đông Cáp, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Theo kết quả điều tra, trước đó, thông qua mạng xã hội facebook, Nguyễn Thế Cẩm đã mua thông tin tài khoản Ngân hàng mang tên “Nguyễn Văn Thịnh”, sau đó lập tài khoản zalo “Nguyễn Văn Thịnh” và đăng ký internet banking với mục đích lừa chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu đổi tiền Nhân dân tệ Trung Quốc (NDT) với hình thức khi người có nhu cầu đổi NDT mà chuyển tiền Việt Nam đến tài khoản ngân hàng thì Cẩm chặn liên lạc, xóa thông tin khách hàng và chiếm đoạt tiền để sử dụng. Vào khoảng tháng 3/2023, do quen biết Nguyễn Thế Thanh nên Cẩm đã hướng dẫn Thanh thực hiện hành vi tương tự như trên. Tổng số tiến 2 đối tượng đã câu kết với nhau để lừa đảo, chiếm đoạt là hơn 177 triệu đồng của các bị hại ở Lạng Sơn và nhiều tỉnh, thành trong nước.
Thượng tá Vũ Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian qua, Công an huyện chủ động nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên không gian mạng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi của tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; tiếp nhận và xử lý kịp thời tin báo của quần chúng Nhân dân liên quan để điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp phát hiện, ngăn chặn thành công 2 vụ đối tượng giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, góp phần bảo vệ tài sản cho người dân và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước xu thế các ứng dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ cao bị các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, thời gian tới, lực lượng công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Ý kiến ()