Đấu tranh với tội phạm mua bán trẻ em trên tuyến biên giới
(LSO) – Là cửa ngõ biên giới với nhiều cửa khẩu và đường mòn, lối tắt qua Trung Quốc, nhiều năm qua Lạng Sơn luôn được đánh giá là điểm nóng về tội phạm mua bán người, đặc biệt là tình trạng mua bán trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn 2014-2019, hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 92%, phần lớn là người dân tộc thiểu số, thường tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…. Trước tình hình diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, đối tượng phạm tội, chủ động mở các đợt cao điểm tấn công ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em.
Đối tượng Nguyễn Thị Bích Liễu
Đại tá Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống mua bán người, Công an tỉnh đã chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân; phối hợp với lực lượng chức năng, bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép; chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện tổ chức đấu tranh quyết liệt với các hành vi mua bán người qua biên giới. Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra 28 vụ, 48 đối tượng, giải cứu thành công 38 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc”.
Bên cạnh các đối tượng bị lừa bán là các thiếu nữ mới lớn với chiêu bài “vờ yêu rồi bán”, nạn nhân mà chúng hướng tới còn có trẻ sơ sinh, trẻ em sinh sống trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ thường đi làm ăn xa, ít hiểu biết… Các đối tượng tiếp cận những phụ nữ đang mang thai hoặc gia đình có đông con và hứa hẹn sẽ đưa những đứa trẻ ra nước ngoài làm con nuôi những gia đình khá giả. Điển hình, ngày 14/8/2019, Phòng Cảnh sát hình sự đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích Liễu (sinh năm 1983, trú tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tại cơ quan điều tra, Liễu khai nhận, được một người phụ nữ thuê mang đứa bé sơ sinh từ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh sang Trung Quốc với số tiền công 14.000 nhân dân tệ.
Tinh vi hơn, một số đối tượng đóng vai là phụ nữ không có khả năng sinh con, muốn tìm con nuôi, sau đó thông qua các hội nhóm cho và nhận con nuôi trên mạng xã hội để tìm kiếm những đứa trẻ mới sinh. Nếu trót lọt, mỗi vụ, chúng sẽ nhận được từ vài nghìn đến vài chục nghìn nhân dân tệ, tương đương với hàng trăm triệu đồng.
Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự khởi tố 2 đối tượng: Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1997, trú tại xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và chồng là Ngô Duy Khang (sinh năm 1991, trú tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) khi đang bế một trẻ sơ sinh tìm đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trước đó vào khoảng tháng 5/2019, Trâm tham gia nhóm Hội cho và nhận con nuôi trên facebook và liên hệ được với một phụ nữ đang mang thai nhưng không có khả năng nuôi dưỡng cháu bé. Trâm đã thỏa thuận xin nhận nuôi và đưa cho mẹ cháu bé hơn 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh cho bé lấy tên bố mẹ là vợ chồng Trâm. Nếu đưa bé sang Trung Quốc trót lọt, các đối tượng sẽ được nhận 50 triệu đồng.
Cùng với đẩy mạnh đấu tranh quyết liệt với các đối tượng có hành vi mua bán người, Công an Lạng Sơn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường tuyên truyền, nhất là về thủ đoạn của các đối tượng để người dân nâng cao cảnh giác; tập trung tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm bằng nhiều hình thức.
Để công tác phòng chống mua bán trẻ em đạt hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của lực lượng công an mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác trước những thủ đoạn của loại tội phạm này nhằm phát hiện và ngăn chặn, không để phụ nữ và trẻ em hay bất cứ ai trong cộng đồng trở thành nạn nhân của nạn mua bán người.
Ý kiến ()