Đấu tranh với hành vi mua bán trái phép hóa đơn
Dịp cuối năm là thời gian cao điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh quyết toán thuế. Ðây cũng là thời điểm hoạt động mua bán trái phép hóa đơn diễn ra tại nhiều nơi với diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi.
Tang vật vụ án mua bán trái phép hóa đơn do Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá. |
Liên tiếp thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ các vụ mua bán trái phép hóa đơn với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, ngày 2/11, Công an tỉnh Phú Thọ thông tin về việc khởi tố năm bị can, trong đó có hai bị can cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với tổng số tiền hơn 25 nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ thu 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả, phong tỏa hai tài khoản hơn 27 tỷ đồng. Trước đó, ngày 1/11, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Cao Bằng thi hành lệnh bắt, tạm giam đối với Nguyễn Tiến Thành (sinh năm 1984), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Ðông Dược Cao Bằng vì tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Tiến Thành đã xuất khống hơn 420 hóa đơn cho các công ty, cửa hàng, với tổng giá trị số tiền ghi trên hóa đơn hơn 43 tỷ đồng. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Và mới đây, ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Long Xuyên (An Giang) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Ðỗ Minh Trọng và Trần Thị Thu Trinh (cùng sinh năm 1991, ngụ tỉnh Hậu Giang) cùng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Qua các vụ việc có thể thấy, hình thức không mới nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, liên quan nhiều đối tượng, doanh nghiệp, khiến việc kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng khó khăn hơn. Theo Thượng tá Bùi Quang Khoa, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Phú Thọ), hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử làm phương thức thanh, quyết toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quyết toán thuế và quyết toán các khoản chi. Do vậy, nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử càng lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến tội phạm luôn tìm cách lợi dụng để tổ chức hành vi mua bán hóa đơn điện tử trái phép. Ngoài ra, công tác quản lý hóa đơn điện tử phức tạp hơn môi trường quản lý hóa đơn giấy, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, các ngành chức năng chưa đồng bộ trong quản lý khiến các đối tượng lợi dụng để mua bán hóa đơn trái phép. Trước thực trạng nêu trên, ngành ngân hàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và các ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tài khoản của doanh nghiệp, ngăn chặn kịp thời hành vi làm giấy tờ giả để thành lập doanh nghiệp…
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu các cơ quan thuế địa phương và công chức cần nâng cao nhận thức trong quản lý hóa đơn phòng, chống gian lận hóa đơn, đặc biệt là công chức được giao nhiệm vụ chuyên quản lý người nộp thuế để kịp thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý thuế theo đúng quy định; giao nhiệm vụ tới từng công chức, từng đội, từng phòng chức năng, định kỳ hằng ngày rà soát trên hệ thống hóa đơn điện tử để kịp thời phát hiện người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn, trường hợp phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu bất thường trong việc xuất hóa đơn thì kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thuế trong xác minh hóa đơn, lập danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao, đặc biệt lưu ý giám sát trọng điểm các doanh nghiệp có nhiều yếu tố rủi ro cao; phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý ngay những vi phạm trong hoạt động mua bán hóa đơn trái phép… ■
Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mua bán hóa đơn trái phép mà người vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp phải xử phạt hành chính thì căn cứ Ðiều 39 Nghị định số 109/2013/NÐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn để xử lý người vi phạm. Nếu phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thì cơ quan chức năng có thể căn cứ Ðiều 203, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người có hành vi vi phạm Ðiều 203 có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Ðiều này, thì bị phạt tiền đến một tỷ đồng; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định đến ba năm…
Luật sư BÙI ÐÌNH BẢN (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội)
Ý kiến ()