Ðấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức trong thời kỳ đổi mới
Những năm gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm có tổ chức đang gia tăng và diễn biến phức tạp, không giới hạn ở một địa phương, mà ngày càng thể hiện rõ xu hướng cấu kết, móc nối với các đối tượng ở các tỉnh, thành phố khác, thậm chí cả với những đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... hình thành những tổ chức, đường dây tội phạm liên tỉnh, thành phố và mang tính quốc tế. Tội phạm do chúng gây ra hầu hết là các nhóm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.Tổng kết thực hiện Đề án 3 "Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ", ba năm gần đây, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã đấu tranh triệt phá được gần 18 nghìn băng, ổ nhóm, 84.236 đối tượng.Thực tiễn đấu tranh cho thấy nhiều băng, ổ nhóm tội phạm liên tỉnh, thành phố hoạt động có tổ chức thường đưa đối tượng từ tỉnh, thành phố này đến tỉnh, thành phố khác để thực hiện tội phạm, nhằm tránh sự điều tra, phát hiện...
Tổng kết thực hiện Đề án 3 “Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ”, ba năm gần đây, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã đấu tranh triệt phá được gần 18 nghìn băng, ổ nhóm, 84.236 đối tượng.
Thực tiễn đấu tranh cho thấy nhiều băng, ổ nhóm tội phạm liên tỉnh, thành phố hoạt động có tổ chức thường đưa đối tượng từ tỉnh, thành phố này đến tỉnh, thành phố khác để thực hiện tội phạm, nhằm tránh sự điều tra, phát hiện của lực lượng công an. Đây thật sự là khó khăn trong công tác quản lý đối tượng, cũng như điều tra khám phá các vụ án do chúng gây ra. Thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức cho thấy, các tổ chức tội phạm hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, biết tìm cách che đậy dấu vết tội phạm, nên việc phát hiện những tội phạm do chúng gây ra hết sức khó khăn. Những số liệu thống kê tội phạm hằng năm chỉ phản ánh một phần nổi mà công an nắm bắt được. Vì vậy, việc phát hiện, điều tra các tội phạm trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mang tính đặc trưng, đó là: Các tổ chức tội phạm sẽ tìm cách dựng lên vỏ bọc hợp pháp của một công ty, doanh nghiệp, một tổ chức. Bên cạnh những hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật để tồn tại là những hoạt động bất hợp pháp để thu siêu lợi nhuận. Những tên cầm đầu vẫn là những giám đốc “chân chính” làm ăn phát đạt, có điều kiện mở rộng quan hệ ngoại giao với những người có quyền lực để lợi dụng họ. Với số tiền lớn có được do hoạt động phạm tội, chúng sẽ dùng một phần để hối lộ, mua chuộc những người có trách nhiệm để giúp đỡ, tạo điều kiện cho chúng hoạt động, gỡ tội khi các “đàn em” bị các cơ quan pháp luật bắt giữ, giúp đỡ tài chính cho gia đình kẻ bị bắt để họ trung thành, không khai ra chúng.
Hoạt động phạm tội được thông qua nhiều cấp, nên rất khó có thể phát hiện ra những tên cầm đầu. Vậy nên, những tổ chức tội phạm như Khánh trắng, Năm Cam, Trịnh Nguyên Thủy… đã tồn tại và hoạt động nhiều năm, do được sự bảo kê của những người có quyền lực tại địa bàn. Thực tế đã chỉ ra: khi Khánh trắng, Năm Cam… chưa bị bắt, tổ chức tội phạm của chúng chưa bị phá vỡ, thì mặc dù chúng gây ra rất nhiều hành vi phạm tội, nhưng hầu như không có ai dám tố cáo chúng. Nhưng khi chúng bị bắt thì có hàng trăm lá thư gửi tới cơ quan điều tra tố cáo chúng, nhờ đó lực lượng công an mới làm rõ thêm nhiều tội ác của chúng và đồng bọn.
Mặt khác, khi có nhiều tiền chúng thường cho đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, vũ trường. Đây vừa là nơi tổ chức các hoạt động kinh doanh hợp pháp và bất hợp pháp để thu lợi nhuận cao nhất (tổ chức đánh bạc, mua bán, bán lẻ ma túy…), đồng thời là nơi để “cung phụng” các quan khách là những thân tín hoặc ân nhân của chúng, hoặc là nơi bàn bạc để chúng thực hiện những phi vụ làm ăn lớn. Ngoài ra, các tổ chức tội phạm và các hành vi phạm tội của chúng chỉ bị phát hiện và phanh phui khi trong ngành công an có một lực lượng tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về pháp luật, có đạo đức nghề nghiệp, có ý chí tiến công tội phạm giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó không thể thiếu sự quan tâm, kiểm tra, giám sát của lãnh đạo trong từng đơn vị suốt quá trình điều tra.
Đáng chú ý, tội phạm có tổ chức sẽ biến thể dần để thích hợp với cơ chế, với điều kiện xã hội. Nếu lực lượng công an đánh mạnh, chúng sẽ thay đổi phương thức hoạt động với những thủ đoạn tinh vi hơn, khó lộ hơn, nhưng mục tiêu thu lợi về vật chất không thay đổi. Trong tương lai gần (hoặc hiện tại) các tổ chức tội phạm sẽ móc nối với những người trong các cơ quan lập pháp, soạn thảo các quy định pháp lý để tác động tạo nên những kẽ hở nhất thời của các văn bản luật để chúng hoạt động kinh doanh, buôn bán, luồn lách qua kẽ hở của pháp luật, để làm những dự án lớn thu lợi nhuận tối đa. Khi đã lớn mạnh, các tổ chức tội phạm sẽ vươn bàn tay “bạch tuộc” ra nước ngoài, liên kết với những tổ chức tội phạm quốc tế để hoạt động phạm tội. Vì vậy, để đấu tranh chống tội phạm có tổ chức một cách hiệu quả, cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhiều quốc gia với nhau.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, lực lượng Công an và các lực lượng chức năng khác cần làm tốt những mặt công tác sau: Làm tốt công tác điều tra cơ bản; tổ chức các biện pháp phòng ngừa xã hội; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tội phạm có tổ chức ở Bộ Công an và công an các địa phương; tăng cường công tác sơ kết, tổng kết các vụ án và nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, hiện đại hóa việc trao đổi thông tin. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()