Dấu tích Thành cổ Lạng Sơn: Giá trị và câu chuyện bảo tồn, phát huy
(LSO) – Thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) là một di tích giá trị, phản ánh lịch sử quân sự, kiến trúc, xây dựng thời quân chủ phong kiến ở Lạng Sơn. Năm 1999, di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia. Thời gian qua, song song với công tác nghiên cứu, UBND thành phố Lạng Sơn luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích này bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Theo hai tư liệu lịch sử “Lạng Sơn Đoàn Thành Đồ” của Nguyễn Nghiễm và “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử Quán triều Nguyễn, Thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) có thể được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Thành xây bằng gạch và đá hình chữ nhật, có chu vi 270 trượng, cao 9 thước, có 4 cổng ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, xung quanh thành có tất cả 19 điếm canh.
Đoàn công tác của Hội Di sản Văn hóa tỉnh thăm quan, khảo sát tại di tích Thành cổ Lạng Sơn
Trải qua thăng trầm của thời gian, biến thiên của lịch sử, dấu tích Thành cổ Lạng Sơn hiện nay còn hai đoạn thành, hai cổng Nam và Tây, cổng Tây đã bị xây bít lại, chỉ còn cổng phía Nam vẫn qua lại được có đường Nguyễn Thái Học chạy qua. Tuy không còn nguyên vẹn nhưng giá trị lịch sử của thành cổ vẫn còn mãi trong đời sống, tâm thức của các thế hệ người Xứ Lạng.
Ông Nông Văn Phương, khối Văn Miếu, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Là người dân sinh sống gần Thành cổ Lạng Sơn, tôi cảm thấy rất tự hào và gắn bó với di tích này. Mỗi khi có khách từ xa đến chơi nhà, tôi vẫn đưa ra đây tham quan, giới thiệu về di tích.
Bên cạnh ý thức tự giác quảng bá di sản văn hóa của mỗi người dân, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Thành cổ Lạng Sơn luôn được UBND thành phố quan tâm với nhiều giải pháp tích cực. Cụ thể, từ năm 2018, sau khi nhận bàn giao quản lý từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan cho dựng 2 thanh chắn ngang hạn chế chiều cao phương tiện quá tải đi lại; xây dựng gờ giảm tốc trên đường hai bên cổng thành phía Nam; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh với tổng kinh phí khoảng 60 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo UBND phường Chi Lăng vận động Nhân dân trồng thảm cỏ xanh, phát quang cây cỏ dại mỗi tháng 1 lần, đảm bảo cảnh quan, không gian xanh – sạch – đẹp tại di tích.
Song song với công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, từ năm 2019, UBND thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phim tài liệu phát trên chuyên mục hành trình di sản; đăng 15 bài viết tuyên truyền về hệ thống di tích, di sản văn hóa thành phố, trong đó có di tích Thành cổ Lạng Sơn trên trang thông tin điện tử của thành phố, trang fanpage “Thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa đào”.
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy, đặc biệt, đẩy mạnh thu thập tài liệu lịch sử, làm rõ quy mô, giá trị của di tích thành cổ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích. Đồng thời, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND thành phố nghiên cứu, phục dựng lại lễ hội “Xứ Lạng Tứ Trấn” gắn với Thành cổ Lạng Sơn tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Dấu tích về Thành cổ Lạng Sơn một thời vẫn đang hiện hữu, chứng kiến sự đổi thay của đất và người Xứ Lạng. Tin tưởng rằng, bằng những việc làm cụ thể, tích cực đã và đang được UBND thành phố triển khai, di tích này sẽ được bảo tồn, gìn giữ mãi mãi cho thế hệ mai sau.
“Thành cổ Lạng Sơn là di tích kiến trúc quân sự có vai trò quan trọng trong việc trấn giữ, phòng thủ nơi cửa ngõ biên cương của Tổ quốc. Cùng với những di tích khác trên địa bàn thành phố, Thành cổ thực sự là điểm di tích tiêu biểu giúp Nhân dân Lạng Sơn nói riêng và du khách gần xa nói chung hiểu thêm về lịch sử đất và người Xứ Lạng”. Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh |
Ý kiến ()