Dầu thế giới ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất từ giữa năm 2020
Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã tác động mạnh đến ngành dầu nói chung và làm trầm trọng hơn tình hình thiếu hụt nguồn cung “vàng đen” trên toàn cầu trong vài tháng tới.
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên 4/3, kết thúc tuần giao dịch vừa qua ở mức cao nhất trong nhiều năm, khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và người mua trên thị trường không muốn mua dầu từ Nga.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 7,65 USD, hay 6,9%, lên 118,11 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8,01 USD, hay 7,4%, và đóng phiên ở mức 115,68 USD/thùng.
Các mức đóng phiên ngày 4/3 là mức đóng phiên cao nhất kể từ tháng 3/2013 đối với dầu Brent và kể từ tháng 9/2008 đối với dầu WTI.
Trong tuần qua, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.
Giá dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu Brent tăng 21% còn giá dầu WTI tăng 26%.
Giá dầu tăng mạnh trong suốt cả tuần qua, khi Mỹ và các nước đồng minh ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nga và chặn nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.
Tuần vừa qua, giá dầu chỉ giảm xuống trong một phiên duy nhất ngày 3/3, với mức giảm 2% giữa những kỳ vọng Mỹ và Iran sẽ sớm nhất trí về một thỏa thuận hạt nhân và gia tăng nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu.
Dù không nhằm trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn tác động mạnh đến ngành dầu nói chung và làm trầm trọng hơn tình hình thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trong vài tháng tới.
Nga xuất khẩu 4-5 triệu thùng dầu mỗi ngày, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Các nhà giao dịch gần như không thể bán được dầu của Nga trong cả tuần qua.
Ngày 4/3, Shell PLC là đơn vị đáng chu ý duy nhất mua dầu của Nga với mức giá thấp hơn dầu Brent vật lý đến 28 USD.
Tình hình bất ổn này có thể còn tiếp diễn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dưới áp lực từ các nghị sỹ ở lưỡng đảng, đang xem xét các phương án cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Theo một khảo sát của hãng tin Reuters/Ipsos, phần lớn người dân Mỹ, 80% số người tham gia khảo sát, ủng hộ ý tưởng cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Trong khi đó, Anh sẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga ở các đợt trừng phạt tiếp theo trong tương lai, còn Canada trong tuần này đã cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Nhiều công ty lọc dầu đã ngừng mua dầu của Nga, còn công ty thương mại cũng không muốn giao dịch với những người bán ở Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt.
Nga đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, từ dầu đến ngũ cốc, sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga và loại nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống SWIFT.
Chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank (Đức) Carsten Fritsch cho biết Nga có thể đáp trả các biện pháp này bằng cách giảm hay thậm chí là ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.
Goldman Sachs dự đoán giá các loại hàng hóa mà Nga là nhà sản xuất lớn sẽ tăng mạnh từ giờ, trong đó ngân hàng này đã nâng mức giá dự đoán của dầu Brent từ 95 USD/thùng lên 115 USD/thùng.
Trong khi đó, giải pháp gia tăng nguồn cung là điều không thể trong ngắn hạn. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC , đã giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày tài cuộc họp ngày 2/3.
Nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới đã gần chạm các mức trước đại dịch, trong khi nguồn cung thiếu hụt, khiến nhiều nước lớn phải dùng đến kho dự trữ chiến lược để xoa dịu tình hình trước mắt.
Nhưng việc các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược đã không thể trấn an thị trường, và giá dầu vẫn tiếp tục nới rộng đà tăng./.
Ý kiến ()