Đấu thầu thuốc còn chậm, do đâu?
Theo phản ánh của một số địa phương, khả năng cung ứng của một số đơn vị tham gia gói thầu tập trung quốc gia còn kém, dẫn đến không cung ứng đủ thuốc. Đặc biệt là các loại thuốc độc quyền, chỉ có một nhà sản xuất, một nhà cung ứng, đã gây trở ngại khi mời thầu. Mặt khác đối với các loại thuốc hiếm, thuốc giải độc để điều trị một số bệnh về ngộ độc Việt Nam hiện cũng đang thiếu.
Theo ông Lê Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đối với một số thuốc nhập khẩu từ châu Âu, các nhà thầu đã cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến một số lý do bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng. Trước hết, đại dịch COVID-19, đặc biệt là chính sách zero COVID-19 ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã làm ảnh hưởng nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất nên kế hoạch sản xuất từ nhà sản xuất bị thay đổi.
Sau đó, lạm phát và biến động chính trị tại châu Âu làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và giá thành sản xuất cũng như kế hoạch sản xuất thuốc. Vì vậy, sau khi trúng thầu, nhà thầu phải tiến hành thương lượng lại với nhà cung cấp về giá và tiến độ cung cấp.
Hơn nữa, một số thuốc chậm cung ứng do có số đăng ký hết hạn vào ngày 31/12/2022, mới được gia hạn theo Nghị quyết số 80/2023/QH15, bắt đầu được đặt hàng sản xuất từ tháng 2/2023 cần có thêm thời gian thực hiện các thủ tục nhập hàng và giao hàng.
Theo ông Dũng, có một số nguyên nhân chủ quan được cho là do gia hạn nhiều lần đóng mở thầu, kéo dài quá trình lựa chọn nhà thầu nên nhà thầu không dự trữ nhiều hàng vì sản phẩm thuốc có hạn sử dụng; một số cơ sở y tế quá chậm trễ trong việc thanh toán công nợ nên nhà thầu dừng cung ứng thuốc…
“Đối với các nhà thầu, về cơ bản, không có nhiều vướng mắc. Với vướng mắc về số đăng ký đã có các Nghị quyết gỡ rối. Một số thuốc còn một số khó khăn trong quá trình cung ứng (chiếm khoảng 3%) cũng đã được rà soát và mời thầu. Theo đó, các nhà thầu đã có biên bản, cam kết”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, những mặt hàng độc quyền hay chỉ có một nhà sản xuất, một nhà cung ứng là một trong những trở ngại khi mời thầu. Có những thuốc đã mời thầu rất nhiều lần, nhưng các nhà thầu không đáp ứng được. Chỉ có một nhà sản xuất sẽ trở thành độc quyền. “Hy vọng trong quá trình sửa đổi Luật Dược, cũng như các văn bản sau này, có thể cho phép trực tiếp đàm phán với hãng, với nhà sản xuất. Hiện nay, Luật không cho phép thực hiện như vậy. Khi mời thầu, các nhà sản xuất không được vào trực tiếp mà phải thông qua các nhà thầu. Sau này, hy vọng được đàm phán trực tiếp với các hãng để rút ngắn các khâu trung gian”, ông Dũng cho biết.
Năm 2020, tại Việt Nam xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn pate chay, khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có người tử vong. Tuy nhiên, thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc này trong nước không có. Bệnh viện Bạch Mai phải nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam mới mua được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu từ Thái Lan với giá đắt đỏ 8.000 USD/lọ. Ngoài 2 lọ thuốc giải này, từ đó đến nay, bệnh viện không có loại thuốc này để dự trữ. Nếu có vụ ngộ độc tương tự xảy ra, việc mua thuốc giải sẽ rất khó khăn, trong khi đó thuốc này càng sử dụng sớm thì hiệu quả trị bệnh càng cao.
Vụ ngộ độc botulinum cá chép ủ chua ở Quảng Nam, may mắn Bệnh viện Chợ Rẫy còn 5 lọ thuốc giải độc đặc hiệu, đã sử dụng 3 lọ điều trị cho bệnh nhân. 3 bệnh nhân sau khi được sử dụng thuốc giải độc, sức khoẻ tiến triển tốt. Đến nay tất cả đều đã cai được máy thở, bệnh nhân nặng nhất cũng đã thở được khí trời.
Trên thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn. Với giá thành cao, trong bối cảnh nhiều bệnh viện tự chủ tài chính, đã không mặn mà mua thuốc hiếm về dự trữ.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có, có nguy cơ thiếu hàng năm để chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này. Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019 của Bộ Y tế. Danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm như ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định. Cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám, chữa bệnh
“Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CPlà giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám, chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ để 1 số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn”, ông Dũng nói.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, Bộ Y tế đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu khẩn trương rà soát, làm việc với nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ cung ứng các mặt hàng trúng thầu và cam kết đảm bảo cung ứng. Đồng thời, các đơn vị báo cáo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia về số lượng tồn kho và tình hình sản xuất, cung ứng các mặt hàng trúng thầu và có trách nhiệm cung ứng thuốc thay thế cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nếu có yêu cầu, không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế.
Nguồn:https://cand.com.vn/y-te/dau-thau-thuoc-con-cham-do-dau–i688192/
Ý kiến ()