Đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ đủ năng lực
Hiện nay, một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông đã được đưa vào khai thác, song trên tuyến chưa có trạm dừng nghỉ, đã gây bất tiện, phiền toái rất lớn cho người tham gia giao thông. Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút triển khai các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, phấn đấu trong năm nay sẽ đưa vào khai thác một số hạng mục thiết yếu phục vụ người dân.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) chung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, tại sao trong quá trình đầu tư dự án đường cao tốc bắc-nam, Bộ Giao thông vận tải không nghiên cứu, tính toán để triển khai đồng thời, làm song hành các trạm dừng nghỉ trên tuyến phục vụ nhu cầu của người dân khi tham gia giao thông trên tuyến?
Ông Nguyễn Quang Giang: Không phải ngành giao thông chưa tính toán đến hạng mục này khi triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông. Trước kia, trong quyết định đầu tư dự án đường cao tốc bắc-nam, Bộ Giao thông vận tải đã hoạch định rất rõ vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ và định hướng đầu tư theo phương thức xã hội hóa đối với dạng công trình này. Theo đó, nguồn vốn thực hiện các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc bắc-nam sẽ đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư.
Để có cơ sở tổ chức, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ, năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ. Phần vốn từ Nhà nước chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Thông tư này.
Tuy nhiên, do quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn tới việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ với đường cao tốc. Thông thường, các dự án đường cao tốc đều có phương án, bài toán tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua hằng năm khá chính xác, nhà đầu tư dễ dàng tính được chi phí hoàn vốn, phương án tài chính tương đối sát thực tế. Tuy nhiên, đối với trạm dừng nghỉ, rất khó để tính được phương án bởi không thể biết sẽ có bao nhiêu xe đi vào trạm, bao nhiêu người sử dụng dịch vụ.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp rốt ráo khắc phục nhanh nhất có thể hạn chế, khiếm khuyết này. Bộ đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông gồm 36 trạm; trong đó, 9 trạm đã và đang đầu tư xây dựng, 1 trạm do địa phương quản lý và 2 trạm do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Đối với 24 trạm chưa xây dựng do Bộ Giao thông vận tải quản lý, các Ban Quản lý dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập hồ sơ của 21 trạm. Trong số này, có 10 trạm dừng nghỉ thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn 1) và 11 trạm giai đoạn 2; còn lại 3 trạm của các dự án La Sơn-Hòa Liên, hầm Đèo Cả và Mỹ Thuận-Cần Thơ đang thống nhất vị trí và hoàn thiện hồ sơ để bổ sung thực hiện.
Đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1, Bộ đã phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 3/2024, dự kiến mở thầu vào ngày 20/5 tới đây và lựa chọn xong nhà đầu tư trong tháng 6/2024.
PV: Thưa ông, Cục Đường cao tốc Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí như thế nào để lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm đủ năng lực tham gia đấu thầu trạm dừng nghỉ?
Ông Nguyễn Quang Giang: Cục Đường cao tốc Việt Nam đã công bố các tiêu chí, điều kiện kinh doanh, năng lực tài chính và kinh nghiệm để lựa chọn nhà đầu tư, quy định cụ thể trong các hồ sơ mời thầu phát hành. Theo đó, nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh đã kinh doanh hoặc khai thác dịch vụ trạm dừng nghỉ đã được công bố loại 1; hoặc kinh doanh, khai thác tối thiểu 3 dịch vụ, trong đó đã kinh doanh, khai thác tối thiểu 2 dịch vụ gồm xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới hoặc Trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ và Trạm cung cấp nhiên liệu xăng, dầu hoặc trạm sạc xe ô tô điện; đồng thời, có tối thiểu 1 thuộc 3 dịch vụ bến, bãi đỗ xe; ăn uống giải khát, bán sản phẩm và lưu trú.
Khi tham gia đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư phải có bảo đảm thực hiện hợp đồng (giá trị bảo đảm từ 1-3% tổng chi phí thực hiện), nếu không thực hiện theo đúng nghĩa vụ cam kết, đương nhiên sẽ mất khoản bảo đảm này.
Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư hoặc liên danh nhà đầu tư được đánh giá đạt yêu cầu nếu vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 30% tổng chi phí thực hiện dự án. Ngoài ra, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Đặc biệt, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu 15% trong liên danh.
Trường hợp doanh nghiệp do nhà đầu tư liên danh thành lập, các thành viên có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhau nhưng phải bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của từng thành viên và đáp ứng theo quy định của pháp luật. Như vậy, hồ sơ mời thầu đã đưa ra các tiêu chí rất rõ về năng lực, kinh nghiệm và tài chính để triển khai trạm dừng nghỉ. Các tiêu chí đều bảo đảm công khai, minh bạch và ràng buộc, sàng lọc để chọn được nhà đầu tư tốt, có trách nhiệm, năng lực. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng, được cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa công trình vào khai thác, do đó sẽ không có chuyện “bán thầu”.
PV: Trước tình thế bức bách hiện tại, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ triển khai các trạm dừng nghỉ, tạo thuận lợi nhất có thể cho người tham gia giao thông?
Ông Nguyễn Quang Giang: Tới đây, ngay sau đấu thầu chọn nhà đầu tư, các Ban Quản lý dự án sẽ đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu để có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông. Trạm dừng nghỉ gồm nhiều hạng mục, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo ưu tiên các hạng mục cấp thiết như bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh,… để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong vòng 2-3 tháng sau khi trúng thầu, nhà đầu tư phải ưu tiên làm trước các hạng mục này để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân. Việc này sẽ được đưa vào hồ sơ thầu và đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, hiện đã có 5 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Mai Sơn-quốc lộ 45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Phan Thiết-Dầu Giây được các Ban Quản lý dự án cam kết sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào tháng 6 để triển khai thi công. Theo báo cáo, 3 trạm còn lại trên tuyến Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết đến tháng 8 mới bàn giao được mặt bằng, chậm 2 tháng so với dự kiến có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, Bộ đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án làm việc với địa phương quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao ngay trong tháng 6/2024 hoặc có phương án bàn giao từng phần để nhà đầu tư tổ chức triển khai thi công trước đối với các hạng mục công cộng thiết yếu.
Như vậy, trong tháng 8 năm nay, có thể đưa trước các hạng mục tạm thiết yếu của 5 trạm vào phục vụ người dân, đến tháng 10 có thể thêm 3 trạm nữa. Khi đó, khoảng cách tối đa của các dự án đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ chỉ còn 97 km ở đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn. Sau khi hạng mục tạm của trạm dừng nghỉ trên đoạn này hoàn thành vào tháng 11/2024, sẽ bảo đảm các dự án thành phần đã thông xe đều có trạm dừng nghỉ tạm.
Đối với 2 trạm thuộc dự án giai đoạn 1 gồm quốc lộ 45-Nghi Sơn và Cam Lộ-La Sơn hiện đã thông xe, được ưu tiên triển khai trước. Trạm thuộc dự án quốc lộ 45-Nghi Sơn dự kiến sẽ có nhà đầu tư trong tháng 8 và hoàn thành công trình tạm trong tháng 11. Trạm Cam Lộ-La Sơn dự kiến có nhà đầu tư trong tháng 8 và phối hợp địa phương bàn giao một phần mặt bằng làm công trình tạm trong tháng 12.
Về lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 2, trong trường hợp Thông tư hướng dẫn một số nội dung lựa chọn nhà đầu tư được ban hành trong tháng 5, Bộ sẽ phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 8/2024. Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các Ban Quản lý dự án tích cực phối hợp với các địa phương để hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng các trạm kịp với tiến độ lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 8.
Bộ Giao thông vận tải đang rốt ráo yêu cầu các Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư có thể triển khai thi công sớm nhất, bảo đảm hoàn thành trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng đường cao tốc (giai đoạn 2) như chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Tinh thần của Bộ trưởng là dự án đường cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác là phải có trạm dừng nghỉ hoạt động đồng bộ, đồng thời, không để người tham gia giao thông phải chờ đợi trạm dừng nghỉ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Ý kiến ()