Chủ nhật, 24/11/2024 22:39 [(GMT +7)]
Đầu năm viết ở Cốc Nam
Thứ 4, 30/01/2013 | 09:48:00 [(GMT +7)] A A
Theo anh Trần Văn Hùng, Chi cục Trưởng Hải quan Cốc Nam, ngay những ngày đầu năm, tổng số tờ khai đã đạt 549 tờ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 6,3 triệu USD, vượt 85% so với cùng kỳ 2012. Và chỉ nay mai thôi khi cửa khẩu được mở rộng chắc chắn sẽ thu hút thêm lượng hàng xuất khẩu và Cốc Nam sẽ trở thành tâm điểm của các doanh nghiệp, tạo vị thế cho Lạng Sơn trong hội nhập phát triển. Nay mai thôi, ngày ấy rất gần!
LSO-Nhắc đến Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, nhiều người còn nghĩ đó là một nơi thâm sơn cùng cốc. Mà cùng thật khi cách đây có mấy năm dù là cửa khẩu nơi đây vẫn vắng hoe, có thể đếm từng người đến. Thế mà giờ đây Cốc Nam đã thành một cửa khẩu sầm uất. Nơi đây mỗi ngày có hàng trăm xe hàng xuất nhập khẩu và Cốc Nam được xếp là một trong những nơi có lợi thế thu phí vào hàng nhất tỉnh.
Bốc xếp hàng hoá tại cửa khẩu Cốc Nam
Tôi còn nhớ năm 2005, khi anh Phùng Quang Hội làm Trưởng Hải quan Cửa khẩu Cốc Nam. Trăn trở lớn nhất của anh là làm sao tham mưu cho tỉnh để đấu nối được cửa khẩu. Vì theo anh, thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu không thể trông chờ vào đôi vai của những người bốc vác, càng không thể cứ dùng cái cầu con con bằng ván thông bắc ngược dốc mà “công” hàng xuất khẩu. Quả là vào thời điểm ấy, để xuất hay nhập một xe hàng qua Cốc Nam người ta phải liên hệ với công nhân bốc vác trước khi làm việc với cán bộ hải quan, biên phòng. Cửa khẩu nhỏ, đường không thông nên có ngày Cốc Nam chỉ xuất nhập có 4 xe hàng, số thu ngân sách khoán thời điểm cao nhất cũng chỉ vào độ hơn chục tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó Cốc Nam sát thị trấn Đồng Đăng, từ cửa khẩu qua chợ Lũng Nghịu (Trung Quốc) độ chục bước chân.
Năm 2012, Cửa khẩu Cốc Nam chính thức được đấu nối cùng mức với nước bạn. Từ con đường chỉ độ vài gang tay đã được mở rộng, xe cơ giới đường bộ lưu thông được. Ngay lập tức Cửa khẩu Cốc Nam trở thành tâm điểm của xuất nhập khẩu hàng hóa với mỗi ngày có hàng trăm xe hàng xuất nhập khẩu qua biên giới. Đặc biệt là lượng hàng tạm nhập tái xuất qua đây tăng đột biến. Toàn bộ khu cửa khẩu, đường nội bộ được biến thành bãi đỗ xe, thế mà hằng ngày xe hàng vẫn ùn ra tận Quốc lộ 4A. Và còn hàng trăm xe khác chờ ở các ngả đường để đổ về Cốc Nam. Xe nhiều, hàng nhiều, lượng công nhân bốc vác tăng lên làm cửa khẩu lúc nào cũng quá tải.
Đi thăm cửa khẩu, chúng tôi phải lách qua từng hàng xe đỗ. Đầu năm rét cắt da cắt thịt nhưng chỉ cần bước vào bãi xe, khi vài chục chiếc đầu kéo, vài chục chiếc xe tải chở hàng nổ máy rầm rầm, phả hơi nóng không khác gì người ta đốt lò để sưởi. Chẳng trách thế mà mấy xã viên hợp tác bốc vác hàng đông lạnh vẫn cứ quần cộc áo may ô. Anh Dương Công Thới, Đội trưởng Đội tổng hợp Chi cục Hải quan Cốc Nam nói như quát mới át nổi tiếng máy, tiếng người, tiếng những kiện hàng sang tải bình bịch: “Thời điểm này lúc nào cửa khẩu cũng quá tải, bến bãi chật hẹp nên cán bộ làm nhiệm vụ tại cửa khẩu phải đứng ra xếp xe, chống ùn tắc. Lúc này muốn đảm bảo số thu thì càng thông hàng nhanh càng tăng số thu”. Với lợi thế tiện xuất nhập khẩu nên từ tháng 1 đến nay, Cốc Nam đã thu hút trên 500 lượt xe hàng xuất nhập khẩu, trong đó hơn một nửa là xe chuyển tải của nước bạn đã mang lại nguồn thu cho tỉnh trên 8 tỷ đồng. Cũng từ lượng xe hàng xuất nhập khẩu tăng đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn cư dân biên giới. Riêng tại Cốc Nam xưa kia người dân chủ yếu tập trung vào mang vác hàng thuê qua biên giới thì giờ đây rất nhiều hộ dân đã có công ăn việc làm ổn định trong cửa khẩu. Trao đổi nhanh với chúng tôi khi nhận sang tải một xe hàng, chị Hoàng Thị Bình, người dân xã Tân Mỹ, Văn Lãng khẳng định, giờ đi bốc vác tại cửa khẩu đỡ hơn nhiều, ngày nào cũng có thu nhập chú ạ. Thế mỗi ngày được bao nhiêu? Tôi hỏi, ngày nhiều cũng được 400 ngàn, còn ít thì 200 ngàn. Nhà có 4 người vào cửa khẩu bốc vác, trừ chi phí mỗi ngày cũng còn được vài trăm chú ạ. Nói rồi chị hối hả bỏ chúng tôi để đu lên xe hàng với tác phong của một công nhân thực thụ. Kể từ ngày hoàn thiện đấu nối, khi các xe hàng đổ về, tỉnh cũng tính đến khả năng phải mở rộng cửa khẩu, vì nếu mở rộng được thì đây chính là điều kiện để tăng thu cho tỉnh, thu hút xuất nhập khẩu. Và hơn thế là để tạo công ăn việc làm cho người dân Cốc Nam. Trước đây, người dân trong khu vực chủ yếu làm nông, nhưng cái nghề nông ở chốn biên viễn này đủ ăn đã là may. Không phải vì người ta lười lao động, không phải thiếu khoa học kỹ thuật nhưng tính thôn Cốc Nam gần 100 hộ dân mà chỉ có trên 4,5 ha đất canh tác thì dù có chăm mấy cũng thiếu đói. Giờ đây hộ như chị Bình mỗi ngày có thể thu ròng 400 ngàn thì đấy chính là cái lợi của cửa khẩu mang lại. Và hơn thế chính người dân hằng ngày làm ăn ngay tại đường biên sẽ là điều kiện tốt nhất để bảo vệ quê hương.
Theo anh Trần Văn Hùng, Chi cục Trưởng Hải quan Cốc Nam, ngay những ngày đầu năm, tổng số tờ khai đã đạt 549 tờ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 6,3 triệu USD, vượt 85% so với cùng kỳ 2012. Và chỉ nay mai thôi khi cửa khẩu được mở rộng chắc chắn sẽ thu hút thêm lượng hàng xuất khẩu và Cốc Nam sẽ trở thành tâm điểm của các doanh nghiệp, tạo vị thế cho Lạng Sơn trong hội nhập phát triển. Nay mai thôi, ngày ấy rất gần!
Nguyễn Nhật Anh
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()