Ðầu mùa khô, nhiều công trình thủy lợi ở Ðác Nông đã cạn kiệt nước
Công trình hồ thủy lợi Đác Blung, xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức xuống cấp nghiêm trọng sau 10 năm sử dụng. Trong quá trình kiểm tra, tiếp nhận các hồ, đập, công trình thủy lợi (CTTL) từ các huyện, thị xã trên địa bàn về quản lý, khai thác, sử dụng, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đác Nông (gọi tắt là Công ty KTCTTL Đác Nông) đã phát hiện hàng loạt công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.Trong khi đó, hằng năm, nguồn kinh phí dành cho việc nâng cấp, sửa chữa còn nhỏ giọt.Thực hiện Quyết định số 483 ngày 7-4-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông về việc bàn giao các CTTL trên địa bàn các huyện, thị xã cho Công ty KTCTTL Đác Nông quản lý, khai thác, sử dụng, đến nay công ty đã tiếp nhận 154 công trình. Trong đó có 149 hồ, đập; bốn trạm bơm và một kênh độc lập với tổng dung tích là 117 triệu 849 nghìn m3 nước, phục vụ nhu cầu tưới cho 22.476 ha cây trồng, gồm 17.945 ha cà-phê, hồ tiêu, 4.531 ha lúa nước...
|
Trong khi đó, hằng năm, nguồn kinh phí dành cho việc nâng cấp, sửa chữa còn nhỏ giọt.
Thực hiện Quyết định số 483 ngày 7-4-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông về việc bàn giao các CTTL trên địa bàn các huyện, thị xã cho Công ty KTCTTL Đác Nông quản lý, khai thác, sử dụng, đến nay công ty đã tiếp nhận 154 công trình. Trong đó có 149 hồ, đập; bốn trạm bơm và một kênh độc lập với tổng dung tích là 117 triệu 849 nghìn m3 nước, phục vụ nhu cầu tưới cho 22.476 ha cây trồng, gồm 17.945 ha cà-phê, hồ tiêu, 4.531 ha lúa nước cùng các loại cây có nhu cầu tưới khác và tiêu thoát nước cho 500 ha đất canh tác. Phần lớn các công trình này đã được đầu tư, đưa vào sử dụng từ rất lâu,
một số công trình do các nông, lâm trường, nhân dân tự làm không bảo đảm quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài do những bất cập trong công tác quản lý, trên danh nghĩa các hồ, đập, CTTL này do chính quyền huyện, xã quản lý nhưng thực tế là “vô chủ” và thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp thường xuyên… khiến hầu hết các công trình hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Trong số 154 công trình có đến 125 bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; trong đó có 84 công trình hư hỏng, xuống cấp phần đầu mối, 30 công trình bị hư hỏng, xuống cấp phần kênh mương và 11 công trình bị lấn chiếm hành lang bảo vệ. Nhiều công trình “vô chủ” trong một thời gian dài nên gần như bỏ hoang, lòng hồ, bờ đập cây cỏ mọc um tùm. Nhiều công trình không thể vận hành được vì các thiết bị bị mất hoặc phá hỏng; hàng loạt công trình bị bồi lấp tràn, cống bị rò rỉ nước; kênh mương hư hỏng không thể sử dụng… cho nên năng lực tưới thực tế của các hồ, đập thấp hơn rất nhiều so thiết kế. Ngoài ra, do tình trạng khai thác công trình bừa bãi, không chỉ sử dụng nguồn nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp mà một số công trình còn bị người dân lấn chiếm kênh mương, lòng hồ, hành lang an toàn để trồng hoa màu và làm nhà ở.
Thực trạng này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí để tiến hành sửa chữa, khắc phục, nâng cấp ngay, nếu không công trình có thể bị vỡ bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ, đe dọa tính mạng và tài sản người dân, nhưng lại không tích trữ được nguồn nước để phục vụ tưới tiêu trong mùa khô.
Chúng tôi về Tuy Đức, một huyện thuần nông của tỉnh Đác Nông, số dân của huyện có hơn 40 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 45% và cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Tuy nhiên, những năm qua do các hồ, đập, CTTL trên địa bàn không bảo đảm, hằng năm, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ lụt, gây ngập úng, còn vào mùa khô thì thiếu nước tưới nghiêm trọng. Giám đốc Chi nhánh Công ty KTCTTL Đác Nông huyện Tuy Đức Trương Đức Thanh, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có 17 hồ, đập, CTTL với tổng dung tích 10 triệu 309 nghìn m3 nước, phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho 2.173 ha cây trồng, trong đó 1.612 ha cà-phê và 561 ha lúa nước. Thế nhưng, phần lớn các công trình đều được xây dựng, đưa vào sử dụng đã lâu hiện nay đều đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Nằm ngay tại xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa, hồ thủy lợi Đác Nóh cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Đưa chúng tôi đến hiện trường, Phó Trưởng phòng kỹ thuật Công ty KTCTTL Đác Nông Phan Văn Mạnh, lo lắng cho biết: “Hiện tại thân đập bị thủng nhiều chỗ; phần bờ đập có hàng loạt cây keo, tràm lớn cắm rễ sâu vào phía trong, tạo điều kiện cho các ổ mối đục thân đập. Phía dưới thân đập, nơi áp sát phần cống tràn đã xuất hiện nhiều lỗ thủng, khiến nước trong hồ ngấm ra khắp nơi. Ở đầu cống tràn cũng xuất hiện những lỗ thủng có đường kính rộng gần nửa mét, nước trong hồ theo đó chảy xối xả. Trong khi đó, hồ có dung tích khoảng một triệu m3 nước, nếu không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa ngay sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người dân và nhà cửa, cây trồng ở phía hạ lưu của hồ, nhất là trong mùa mưa lũ”.
Theo Giám đốc Công ty KTCTTL Đác Nông Hoàng Trung Thơ, không chỉ riêng hồ thủy lợi Đác Nóh, Đác Blung mà hiện nay trên địa bàn tỉnh có đến 50 hồ, đập, CTTL phục vụ tưới tiêu cho hơn 10.655 ha cây trồng xuống cấp nghiêm trọng cần phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa lớn. Theo tính toán của công ty thì tổng kinh phí phục vụ công tác sửa chữa, nâng cấp 50 hồ, đập, CTTL này lên đến 637 tỷ đồng, trong khi bình quân mỗi năm công ty chỉ được tỉnh cấp trên dưới 20 tỷ đồng, chủ yếu là tiền cấp bù phí thủy lợi cho nên việc nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập, CTTL gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong năm 2011, công ty được cấp 17 tỷ đồng để phục vụ sửa chữa thường xuyên 31 công trình với tổng kinh phí là 5,1 tỷ đồng; đầu tư sửa chữa lớn ba công trình cấp bách gồm hồ 3B, buôn Sa Na, xã Quảng Sơn (huyện Đác Glong); hồ Đác R’Sung, xã Nhân Đạo (huyện Đác R’lấp) và hồ Đác Nóh, xã Đác Nia (thị xã Gia Nghĩa) với tổng kinh phí là 9,3 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí được cấp hằng năm còn nhỏ giọt như hiện nay thì phải mất 10 đến 15 năm sau công ty mới sửa chữa, nâng cấp hết các công trình đang xuống cấp trên địa bàn. Trong khi đó, diện tích cây trồng có nhu cầu tưới trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn, nhất là cà-phê hiện đã có hơn 75 nghìn ha, hồ tiêu 6.000 ha… nhưng hằng năm, mới bước vào đầu mùa khô, nhiều hồ, đập, CTTL đã cạn kiệt nguồn nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()