Dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết Mỹ la-tinh
Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CELAC) đã kết thúc tốt đẹp sau hai ngày họp tại Chi-lê, thông qua Tuyên bố chung Xan-ti-a-gô cam kết xây dựng khối liên kết các quốc gia độc lập vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Cu-ba tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên CELAC.Kết quả tốt đẹp của Hội nghị cấp cao CELAC, gồm 33 nước thành viên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực tăng cường hợp tác, liên kết giữa các nước Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê trong thế kỷ 21. Sự ra đời CELAC đáp ứng mong muốn và quyết tâm của các nước Mỹ la-tinh thành lập một tổ chức hợp tác mới để thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã lỗi thời. Hội nghị lần này vạch ra phương hướng hành động của CELAC, được nêu rõ trong Tuyên bố chung Xan-ti-a-gô, trong đó các nước cam kết cùng nhau xây dựng một khối liên kết các quốc gia độc lập, có chủ quyền, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực. Hội nghị cấp cao CELAC khẳng...
Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CELAC) đã kết thúc tốt đẹp sau hai ngày họp tại Chi-lê, thông qua Tuyên bố chung Xan-ti-a-gô cam kết xây dựng khối liên kết các quốc gia độc lập vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Cu-ba tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên CELAC.
Kết quả tốt đẹp của Hội nghị cấp cao CELAC, gồm 33 nước thành viên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực tăng cường hợp tác, liên kết giữa các nước Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê trong thế kỷ 21. Sự ra đời CELAC đáp ứng mong muốn và quyết tâm của các nước Mỹ la-tinh thành lập một tổ chức hợp tác mới để thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã lỗi thời. Hội nghị lần này vạch ra phương hướng hành động của CELAC, được nêu rõ trong Tuyên bố chung Xan-ti-a-gô, trong đó các nước cam kết cùng nhau xây dựng một khối liên kết các quốc gia độc lập, có chủ quyền, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực. Hội nghị cấp cao CELAC khẳng định tăng cường hợp tác, liên kết khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê là xu thế phù hợp và đúng đắn ở Tây bán cầu.
Diễn ra trong bối cảnh nhiều nước Mỹ la-tinh đang triển khai các dự án hợp tác, liên kết cùng phát triển, Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng và các giải pháp nhằm đối phó những thách thức của thời đại. Hội nghị đã nhất trí những biện pháp cụ thể nhằm giảm đói nghèo, chống bất bình đẳng, đối phó với thảm họa thiên nhiên, tăng cường đấu tranh chống buôn bán ma túy; phát triển giáo dục; thúc đẩy năng lượng sạch; ưu tiên hợp tác với các nước chậm phát triển hơn… Lãnh đạo cấp cao các nước Mỹ la-tinh cũng thông qua một số thông cáo đặc biệt, trong đó ủng hộ chủ quyền của Ác-hen-ti-na đối với quần đảo Man-vi-nát đang tranh chấp với Anh; phản đối Mỹ cấm vận chống Cu-ba; ủng hộ nhân dân Ha-i-ti tái thiết đất nước sau thảm họa động đất; đồng thời nhấn mạnh quyết tâm chống khủng bố và buôn bán ma túy dưới mọi hình thức…
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp và xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các nước Mỹ la-tinh ngày càng nhận thức rõ sự cần thiết phải hợp tác, liên kết với nhau, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và khu vực nói chung, đồng thời có khả năng đương đầu với những thách thức của thời đại mới. Các nước Mỹ la-tinh có nhiều thuận lợi để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết với nhau. Họ có nhiều nét tương đồng về mặt lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, địa lý và cơ cấu kinh tế. Trong những năm gần đây, lực lượng cánh tả đã giành thắng lợi và lên nắm quyền lãnh đạo ở hàng loạt nước như Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa, Ê-cu-a-đo… càng tạo thêm điều kiện để các nước gắn bó, sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau cùng đấu tranh cho mục tiêu của mỗi dân tộc và khu vực là xóa bỏ nghèo đói, bất công, vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tại các cuộc gặp cấp cao song phương và khu vực, các nhà lãnh đạo Mỹ la-tinh luôn nhấn mạnh tăng cường đoàn kết, hợp tác và liên kết khu vực là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Tại Mỹ la-tinh đã hình thành những tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và ngày càng có thêm nhiều nước tham gia, như: Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Thị trường chung Ca-ri-bê… Các cơ chế khu vực này trong những năm vừa qua được tăng cường. Việc thành lập CELAC cuối năm 2011 càng khẳng định rõ xu hướng chủ đạo này. Thực tế cho thấy, đi theo hướng tăng cường hợp tác và liên kết giữa các nước khu vực Mỹ la-tinh đã và đang mang lại sự phát triển và tiến bộ rõ rệt cho mỗi nước, nổi bật nhất là giữa các quốc gia trong ALBA, UNASUR.
Chính vì vậy, mặc dù không thể tham dự trực tiếp do đang điều trị ung thư tại Cu-ba, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết đã gửi tham luận tới Hội nghị kêu gọi tăng cường đoàn kết, trong bối cảnh các thế lực thù địch quốc tế tìm cách phá hoại nỗ lực liên kết giữa các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê; đồng thời khẳng định CELAC là dự án liên kết chính trị, kinh tế và xã hội quan trọng nhất trong lịch sử đương đại của khu vực; nhấn mạnh người dân tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có quyền tự hào rằng “Quốc gia của các nền cộng hòa”, tên mà người anh hùng giải phóng dân tộc Xi-môn Bô-li-va đặt cho toàn khu vực này bắt đầu trở thành “một thực tế tốt đẹp và hạnh phúc”. Trên cương vị tân Chủ tịch CELAC, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô tuyên bố, Cu-ba sẽ nỗ lực góp phần tăng cường chủ quyền, thúc đẩy liên kết hợp tác và đoàn kết giữa các nước, đồng thời đấu tranh chống những hành động can thiệp, đe dọa và sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia. Vị thế của Cu-ba được nâng cao ở khu vực.
Thành công tốt đẹp của Hội nghị cấp cao CELAC lần thứ hai ở Chi-lê mở ra thời kỳ phát triển mới ở Mỹ la-tinh, phù hợp mong muốn và nguyện vọng của các dân tộc Mỹ la-tinh tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()