Đâu là phương án xử lý nợ xấu triệt để?
Tái cơ cấu ngân hàng và nợ xấu vẫn là những vấn đề "nóng", bởi còn những ngân hàng chưa thực sự "khỏe", các khoản nợ xấu vẫn bấp bênh, chưa có phương án xử lý triệt để. Vậy, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ tiếp tục phải làm gì và phương án xử lý nợ xấu sẽ ra sao?
Cần có những biện pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm nợ xấu cho ngân hàng. |
Tái cơ cấu ngân hàng đã đi được một bước, với hàng loạt ngân hàng bị mua 0 đồng, cùng những ngân hàng phải tự tái cơ cấu, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn. Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng qua đạt khoảng 10,64%, nhưng tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên chưa nhiều, mới tăng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng… Nợ xấu của các ngân hàng thương mại còn lớn đã tác động xấu đến nền tảng tài chính. Tình trạng tài chính của các ngân hàng đã cản trở đáng kể tiến trình tái cơ cấu hệ thống, đặc biệt tái cơ cấu về quản trị, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, do đó khả năng tăng vốn tự có, lành mạnh hóa nền tảng tài chính trong ngắn hạn của các ngân hàng còn gặp khó khăn. Vì vậy, chương trình tái cơ cấu cần phải có những thay đổi phù hợp với bối cảnh kinh tế.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chương trình tái cơ cấu trong giai đoạn mới cần chú trọng việc các ngân hàng thương mại tự xử lý, nhưng phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng một cách dài hạn. Mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp và quỹ đầu tư tài chính của nước ngoài qua các giải pháp tăng room đầu tư, bán nợ, tài sản công để tạo thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm những ngân hàng mua 0 đồng, không thể tiếp tục kéo dài tổn thất tài chính đối với những ngân hàng này mà phải sáp nhập, hoặc bán lại cho các ngân hàng trong nước khác hoặc ngân hàng nước ngoài theo nguyên tắc thị trường. Duy trì ổn định thanh khoản cho các ngân hàng trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chỉ tiêu về an toàn cho vay trung, dài hạn, cho vay bất động sản, trạng thái ngoại hối…
Chứng khoán hóa nợ xấu
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 42,8%).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, tính từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ 227.848 tỷ đồng. Hầu hết khoản nợ xấu đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…
Nhưng, do tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán nhiều nơi, nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý để nắm bắt thực trạng các khoản nợ mua từ TCTD, việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả. Hiện VAMC chỉ có thể tập trung rà soát, phân loại đối với các khoản nợ có dư nợ lớn, số còn lại VAMC đã thực hiện ủy quyền các nội dung xử lý nợ ngay tại thời điểm mua nợ. Cùng với đó, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Để xử lý nợ xấu, theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nên lựa chọn phương thức chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành. Cùng với đó, các doanh nghiệp có nợ xấu và không có khả năng trả nợ sẽ chịu trách nhiệm đối với việc xử lý bằng cách phát hành phiếu nợ chuyển thành tài sản đối ứng với lượng trái phiếu chính phủ. Các ngân hàng tham gia vào quá trình xử lý nợ bằng cách chấp nhận trái phiếu chính phủ hoặc chấp nhận phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp, sau đó bán trái phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiếp tục tái cơ cấu để các ngân hàng trong hệ thống khỏe mạnh, đủ sức “gánh” cả nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nhưng, để ngân hàng thật sự đứng vững cần những biện pháp mạnh hơn của cơ quan chức năng, quản lý chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại, không để các ngân hàng yếu kém làm xáo động thị trường. Còn đối với nợ xấu, con số dù đã bớt cồng kềnh nhưng vẫn là nỗi ám ảnh, để xử lý cần tạo khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm những thiệt hại phát sinh trong xử lý nợ xấu…
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()