Đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu?
Hệ thống tài chính Mỹ 10 năm trước đây bị kéo lùi bởi những khoản đầu tư xấu. Ngày nay, nền kinh tế toàn cầu cũng đang đứng trước những nguy cơ không kém phần nghiêm trọng đến từ Trung Quốc – một trong những nền kinh tế lớn của thế giới; Brexit; hiệu ứng lây lan của các nền kinh tế mới nổi và chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong nhiều năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến hàng chục triệu người mất nhà cửa, khiến hàng trăm triệu người mất việc làm và hủy hoại hàng nghìn tỷ USD tài sản, nền kinh tế toàn cầu đã hồi phục.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay và năm tới, qua đó khẳng định đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Song với việc Mỹ đang ở vị trí trung tâm của các tranh cãi thương mại, triển vọng lạc quan của kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.
Nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld tại IMF cảnh báo rằng “nguy cơ các căng thẳng thương mại hiện nay leo thang hơn nữa… là đe dọa gần kề lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới – cũng nhất trí gần như hoàn toàn với cảnh báo trên, khi nhấn mạnh rằng sự leo thang trong các tranh cãi thương mại quốc tế tiềm ẩn nguy cơ kéo lùi hoạt động thực.
Nền kinh tế Mỹ hiện đang chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở một mức thấp kỷ lục khoảng 4%, không có dấu hiệu về lạm phát và thị trường chứng khoán liên tục phá vỡ các kỷ lục. Đạo luật Dodd-Frank 2010 giới hạn hoạt động chấp nhận rủi ro và buộc các ngân hàng dự phòng lượng tiền mặt lớn, dẫn đến việc ngành ngân hàng là một trong những ngành “bị kiểm soát nghiêm ngặt nhất” hiện nay, theo chuyên gia tài chính Steve Eisman.
Theo chuyên gia Aaron Klein thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nền kinh tế thế giới đã và đang hồi phục trong khoảng thời gian 10 năm, song vẫn có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng khác dù chưa biết rõ nguyên nhân.
Chuyên gia về rủi ro chính trị Ian Bremmer thuộc Tập đoàn Eurasia đặt ra câu hỏi liệu các cường quốc thế giới của ngày nay có phản ứng hiệu quả như hồi năm 2008 hay sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ hay không./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()