Đâu là các thách thức chủ yếu của EU?
Trong một tài liệu mới được công bố mang tên “Báo cáo tầm nhìn chiến lược năm 2023”, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra các thách thức chủ yếu đối với Liên minh châu Âu (EU) trong những năm tới.
Theo tờ Politico, tài liệu dài 21 trang của EC thể hiện rõ quan điểm của EU về tình hình thế giới. Đồng thời, quan điểm xuyên suốt trong tài liệu là EU cần phát huy sự tự chủ của mình. “Tầm nhìn chiến lược giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai bất định và dự báo được những diễn biến có thể tác động đến chúng ta. Nói tóm lại là nó sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn…. Chúng ta sẽ tăng cường khả năng tự đi trên đôi chân của mình trong khi xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ. Đó là sự tự chủ chiến lược mở của chúng ta”, Phó chủ tịch EC Maroš Šefčovič phát biểu khi giới thiệu “Báo cáo tầm nhìn chiến lược năm 2023”.
Đầu tiên, tài liệu đánh giá chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang gặp thách thức. Mỹ tiếp tục được xác định là đối tác chiến lược của EU. Trong khi xem Trung Quốc là một đối tác trong các vấn đề đa phương, EU vẫn xác định Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh của khối. EU cũng nhận thấy “việc gia tăng tìm kiếm tầm ảnh hưởng và hiện diện tại các diễn đàn quốc tế” của các quốc gia mới nổi với “sự đan xen các chiến lược hợp tác và đối đầu”; cho rằng điều này là thách thức đối với hiệu quả hợp tác quốc tế trong các vấn đề xuyên quốc gia. Tài liệu nhận định quá trình toàn cầu hóa “về cơ bản đang gặp thách thức”. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày “sự mong manh” của các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung ứng bên ngoài. Đối đầu địa kinh tế gia tăng đang định hình lại các dòng đầu tư và thương mại toàn cầu, từ đó làm tăng nguy cơ áp đặt các hạn chế thương mại và gián đoạn các chuỗi cung ứng, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng phụ thuộc nói trên của EU.
Thêm vào đó, tài liệu khẳng định sức ép đang không ngừng gia tăng đối với việc bảo đảm đủ ngân sách cho các lĩnh vực chiến lược của EU. Theo đó, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi những khoản đầu tư “chưa từng có tiền lệ”, lên tới hơn 620 tỷ euro/năm. Tiến trình chuyển đổi số lại cần tối thiểu 125 tỷ euro/năm. Từ con số 214 tỷ euro vào năm 2021, chi tiêu quốc phòng của EU dự kiến tăng thêm 75 tỷ euro đến năm 2025 nhằm “xây dựng đầy đủ tiềm lực quốc phòng”. Trong khi đó, chi phí hỗ trợ tái thiết Ukraine được dự báo lên tới hàng trăm tỷ euro trong vòng 10 năm sau khi chiến sự chấm dứt.
Phó chủ tịch EC Maroš Šefčovič giới thiệu “Báo cáo tầm nhìn chiến lược năm 2023”. Ảnh: ec.europa.eu |
Một thách thức lớn khác với EU chính là nhu cầu gia tăng về lực lượng lao động có tay nghề cao. “Báo cáo tầm nhìn chiến lược năm 2023” nhấn mạnh, mặc dù lực lượng lao động của EU nhìn chung hiện có trình độ học vấn “cao nhất trong lịch sử của khối”, nhưng vẫn còn 60 triệu người trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn và tay nghề thấp. Tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao còn do các nguyên nhân như chương trình đào tạo chưa phù hợp, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến chưa được bảo đảm. “Thiếu hụt nhân viên có kỹ năng phù hợp đang gây khó khăn cho 85% các doanh nghiệp EU. Vấn đề này ngày càng trầm trọng ở những ngành nghề cần nhiều lao động như y tế, xây dựng hay nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh dân số châu Âu đang già hóa”, tài liệu nêu rõ.
“Báo cáo tầm nhìn chiến lược năm 2023” còn thừa nhận “những rạn nứt gia tăng” trong xã hội EU. Trong khi tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia thành viên EU có chiều hướng giảm thì điều ngược lại đang xảy ra trong phạm vi từng quốc gia thành viên.
Cuối cùng, tài liệu của EC khẳng định tình trạng bất bình đẳng “có liên hệ chặt chẽ” với sự suy giảm niềm tin vào các thể chế của EU. Sự bất mãn gia tăng cộng với việc thiếu những chương trình nghị sự tích cực đã làm xói mòn niềm tin vào các thể chế công cộng, khiến xã hội phân cực và các phong trào cực đoan hay dân túy trỗi dậy. “Giới chức EU hiếm khi phân tích những “cơn gió ngược chính trị”, nhưng đó chính xác là những gì họ thực hiện trong phần cuối cùng của báo cáo. Quan điểm ở đây là sự phân cực và thông tin sai lệch đang đẩy cử tri EU về phía các đảng dân túy”, tờ Politico bình luận.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/dau-la-cac-thach-thuc-chu-yeu-cua-eu-733914
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()