Dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa phong trào Pha-ta và Ha-mát
Tại Thủ đô Cai-rô của Ai Cập, đại diện 13 phe phái ở Pa-le-xtin, trong đó có Phong trào Pha-ta của Tổng thống M.Áp-bát và Phong trào Hồi giáo Ha-mát đã ký Thỏa thuận hòa giải, mở đường chấm dứt mâu thuẫn kéo dài bốn năm qua giữa hai phái chính trị này.Thỏa thuận hòa giải Pa-le-xtin kêu gọi thành lập chính phủ thống nhất lâm thời, trong đó bao gồm các nhà chính trị độc lập, với mục tiêu tái thiết dải Ga-da và tiến hành bầu cử tổng thống và QH trong vòng một năm, đồng thời mở ra triển vọng chấm dứt sự chia rẽ giữa khu Bờ Tây, nằm dưới sự kiểm soát của Pha-ta và dải Ga-da, khu vực do Ha-mát kiểm soát. Cả Phong trào Ha-mát và Pha-ta cho biết đã đạt được thỏa thuận toàn diện trong nỗ lực đoàn kết tất cả các phái chính trị của Pa-le-xtin.Theo ông M.A.Ma-dúc, Trưởng đoàn đàm phán Ha-mát, hai bên đã thảo luận tất cả những vấn đề, kể cả những bất đồng, cân nhắc tới đề xuất của nhà trung gian hòa giải Ai Cập về việc tổ chức bầu cử, lập ủy ban...
Thỏa thuận hòa giải Pa-le-xtin kêu gọi thành lập chính phủ thống nhất lâm thời, trong đó bao gồm các nhà chính trị độc lập, với mục tiêu tái thiết dải Ga-da và tiến hành bầu cử tổng thống và QH trong vòng một năm, đồng thời mở ra triển vọng chấm dứt sự chia rẽ giữa khu Bờ Tây, nằm dưới sự kiểm soát của Pha-ta và dải Ga-da, khu vực do Ha-mát kiểm soát. Cả Phong trào Ha-mát và Pha-ta cho biết đã đạt được thỏa thuận toàn diện trong nỗ lực đoàn kết tất cả các phái chính trị của Pa-le-xtin.
Theo ông M.A.Ma-dúc, Trưởng đoàn đàm phán Ha-mát, hai bên đã thảo luận tất cả những vấn đề, kể cả những bất đồng, cân nhắc tới đề xuất của nhà trung gian hòa giải Ai Cập về việc tổ chức bầu cử, lập ủy ban bầu cử và nối lại hoạt động của cơ quan lập pháp.
Thỏa thuận trên mở ra hy vọng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc Pa-le-xtin. Đây là bước đi quan trọng tiến tới thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập trên toàn bộ những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng từ năm 1967. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en lâm vào bế tắc, trong khi Chính quyền của Tổng thống M.Áp-bát đang có những nỗ lực nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập tại khóa họp của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới, thỏa thuận hòa giải dân tộc của Pa-le-xtin đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Pa-le-xtin. Tuy nhiên, nhiều người Pa-le-xtin cho rằng, quá trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc Pa-le-xtin là không dễ dàng. Bởi, việc tái thống nhất khu Bờ Tây và dải Ga-da thành một chính quyền duy nhất lần đầu tiên kể từ năm 2007, khi Ha-mát nắm quyền kiểm soát dải Ga-da từ Tổng thống M.Áp-bát, còn nhiều trở ngại. Thực tế cho thấy, mặc dù hai đảng phái chính đã gạt được nhiều bất đồng, song đối với vấn đề chủ chốt như an ninh còn nhiều khó khăn, thách thức, khi cả Ha-mát và Pha-ta đều có lực lượng an ninh riêng. Về vấn đề này, hai bên đã từng nhiều lần nhất trí rồi lại chia rẽ. Trong khi đó, I-xra-en kiên quyết 'tẩy chay', không thừa nhận vị trí chính trị của Phong trào Ha-mát và luôn coi tổ chức này là 'khủng bố'. Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố rằng, ông không thể tiến hành các cuộc đàm phán với một chính quyền có Ha-mát.
I-xra-en đồng thời khẳng định sẽ ngừng quan hệ với một chính quyền Pa-le-xtin thống nhất, trong khi Ha-mát cũng từ chối công nhận Nhà nước Do Thái. Ngay sau khi Pha-ta và Ha-mát đạt thỏa thuận hòa giải, Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu đã nhắc lại lập trường của Ten A-víp rằng, Tổng thống Áp-bát phải lựa chọn hoặc I-xra-en, hoặc Ha-mát. Tuy nhiên, Tổng thống Áp-bát khẳng định, Chính quyền Pa-le-xtin lựa chọn đối thoại hòa bình với Ha-mát và đàm phán bình đẳng với I-xra-en.
Mặc dù có những phản ứng tiêu cực từ phía I-xra-en đối với thỏa thuận hòa giải ở Pa-le-xtin, song theo các nhà phân tích, sẽ không thể thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông nếu không có sự tham gia đầy đủ của các đảng phái trong hệ thống chính trị ở Pa-le-xtin. Sự đoàn kết và thống nhất của Pa-le-xtin là một thực tế 'không thể phủ nhận', là cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Việc ký thỏa thuận hòa giải ở Pa-le-xtin là một bước tiến mới nhằm thiết lập một Chính phủ đoàn kết Pa-le-xtin. Đây cũng là động thái tích cực trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có những biến động chính trị và nguy cơ rơi vào khủng hoảng bởi làn sóng biểu tình kéo theo bạo loạn ở nhiều quốc gia trong khu vực. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun hoan nghênh những nỗ lực nhằm đạt được sự hòa giải ở Pa-le-xtin. Ông Ban Ki Mun nhấn mạnh, Pa-le-xtin cần thống nhất trong khuôn khổ Chính quyền dân tộc Pa-le-xtin (PNA) dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Áp-bát và những cam kết của Tổ chức giải phóng Pa-le-xtin (PLO). Cộng đồng quốc tế mong muốn các phe phái ở Pa-le-xtin nhanh chóng biến thỏa thuận này thành hiện thực, mở đường cho những bước tiếp theo nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en.
Theo Nhandan
Ý kiến ()