Dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Nhật Bản
Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, năm 2011, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự báo được đưa ra trước đó, với mức tăng 4,4%, chủ yếu nhờ những triển vọng cải thiện của nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Hội đồng Chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhận định, nền kinh tế Nhật Bản sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ từ, chủ yếu nhờ tăng lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và các nước sản xuất hàng hóa.Hội đồng Chính sách BOJ tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế của Nhật Bản trong thời gian tới, đã nâng mức dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa này của nền kinh tế Nhật Bản từ 2,1% lên 3,3%, trong bối cảnh giá trị sản xuất và chỉ số tiêu dùng cá nhân đang tăng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Chính phủ Nhật Bản nhận định, nền kinh tế nước này sẽ dần vượt qua tình trạng thiểu phát và quay trở lại quỹ đạo phục hồi từ từ. Điều này đạt...
Hội đồng Chính sách BOJ tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế của Nhật Bản trong thời gian tới, đã nâng mức dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa này của nền kinh tế Nhật Bản từ 2,1% lên 3,3%, trong bối cảnh giá trị sản xuất và chỉ số tiêu dùng cá nhân đang tăng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Chính phủ Nhật Bản nhận định, nền kinh tế nước này sẽ dần vượt qua tình trạng thiểu phát và quay trở lại quỹ đạo phục hồi từ từ. Điều này đạt được là nhờ kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh trong năm 2010, đem lại sự lạc quan về triển vọng kinh tế của nước này.
Theo các con số thống kê, do nhu cầu tăng mạnh từ các nền kinh tế đang nổi, thặng dư thương mại của Nhật Bản năm 2010 đạt mức 6,77 nghìn tỷ yên (tương đương 82 tỷ USD), tăng 153,4% so với năm 2009. Trong khi đó, xuất khẩu tăng 24,4%, mức tăng trưởng lần đầu trong vòng ba năm qua. Trong đó, xuất khẩu của Nhật Bản tăng lên 67,41 nghìn tỷ yên và nhập khẩu cũng lên tới 60,64 nghìn tỷ yên, tăng 17,7%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm máy móc và các loại xe cộ.
Thặng dư thương mại của Nhật Bản đạt mức tăng trưởng mạnh như trên là nhờ lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nền kinh tế đang nổi ở châu Á tăng đáng kể, trong đó kim ngạch xuất khẩu hằng năm sang thị trường Trung Quốc đều đạt mức kỷ lục. Tính riêng trong tháng 12-2010, giá trị xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, và thặng dư thương mại lên tới 727,7 tỷ yên (tăng 34%).
Nhằm thúc đẩy xu hướng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, Hội đồng Chính sách BOJ mới đây đã quyết định tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản trong khoảng từ 0% đến 0,1% và chương trình mua tài sản từ các tổ chức tài chính và công ty, để hỗ trợ vốn hoạt động cho các doanh nghiệp ở nước này. Hội đồng Chính sách BOJ cho biết, chính sách tiền tệ cực lỏng này sẽ được giữ nguyên cho đến khi có dấu hiệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng chủ chốt (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống) ổn định ở mức 2% hoặc thấp hơn.
Mặc dù có những dấu hiệu tích cực về sự phục hồi, tuy nhiên nền kinh tế Nhật Bản cũng đang đối mặt không ít thách thức. Trước hết là tác động tiêu cực từ việc Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ giảm các biện pháp kích cầu trong thời gian tới khi một số các biện pháp hết hạn. Ngoài ra, nền kinh tế thế giới cũng đang đứng trước những rủi ro và những yếu tố cản trở đà phục hồi và sự tăng trưởng bền vững trên toàn cầu. Đó là tình trạng giá cả trên thị trường nông phẩm, nguyên liệu tăng cao, nguồn cung cấp nước ngọt và năng lượng khan hiếm, trong khi nạn tham nhũng tràn lan tại một số quốc gia và nguy cơ giảm phát lại xuất hiện. Trong bối cảnh này, nhiều nước trên thế giới đang gia tăng các chính sách bảo hộ và thao túng tỷ giá đồng tiền.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2011 (Diễn đàn Đa-vốt lần thứ 41) ở Thụy Sĩ, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Mit-su-bi-shi của Nhật Bản Y.Cô-gi-ma, đồng thời là đồng Chủ tịch Diễn đàn Đa-vốt 41, nhấn mạnh rằng, mối đe dọa đáng quan ngại nhất đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2011 là chiều hướng gia tăng các chính sách bảo hộ. Ông nêu rõ, để tránh được hiểm họa này, thế giới cần đẩy mạnh vai trò của các tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hướng đến các hiệp định tự do mậu dịch… Ông khẳng định trong lĩnh vực này, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy cỗ xe kinh tế toàn cầu đi lên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()