Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nga - U-crai-na
Tổng thống U-crai-na V.Dê-len-xki (ngoài cùng bên phải) chào mừng các tù nhân được trao trả.
Trong cuộc trao đổi mới đây, tổng cộng 70 tù nhân đã được Nga và U-crai-na trao trả. Đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa hai nước, được bắt đầu sau khi ông V.Dê-len-xki nhậm chức Tổng thống U-crai-na. Tổng thống Nga V.Pu-tin đánh giá thỏa thuận trao đổi tù nhân là “một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ” giữa Mát-xcơ-va và Ki-ép. Trong khi đó, Tổng thống V.Dê-len-xki khẳng định, đây là bước tiến trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại khu vực Đôn-bát, miền đông U-crai-na. Sau khi cuộc trao đổi diễn ra, ông V.Dê-len-xki nhấn mạnh, bất chấp nhiều rào cản, hai nước đã nhất trí thực hiện các bước đi đầu tiên hướng đến đối thoại, đồng thời tuyên bố đã sẵn sàng lên lịch đàm phán với người đồng cấp Nga V.Pu-tin để thảo luận việc hóa giải bất đồng giữa hai nước.
Những động thái của Nga và U-crai-na ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Đức A.Méc-ken hoan nghênh việc trao đổi tù nhân giữa hai bên, coi đây là “dấu hiệu của niềm hy vọng”. Bà A.Méc-ken cũng kêu gọi các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2015 mà Pháp và Đức đóng vai trò trung gian. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm gọi đây là một tin tốt lành và hy vọng về một bước tiến mới cho “hòa bình”. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp G.Lơ Đri-ăng nhận định, Nga và U-crai-na đã có bước đột phá, đồng thời kêu gọi hai bên có thêm những bước đi mới, hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông U-crai-na. Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cũng coi đây là hành động thiện chí, chứng tỏ sự sẵn sàng đối thoại của Nga và U-crai-na về các bất đồng còn tồn tại.
Giới chuyên gia nhận định, việc Nga và U-crai-na trao đổi tù nhân dấy lên hy vọng bình thường hóa mối quan hệ vốn nhiều trắc trở giữa hai quốc gia láng giềng này. Cuộc trao đổi cũng góp phần bước đầu xây dựng lại niềm tin giữa Mát-xcơ-va và Ki-ép, mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán về giải pháp cho cuộc xung đột ở miền đông U-crai-na. Ngay sau khi cuộc trao đổi tù nhân kết thúc, Tổng thống V.Pu-tin và người đồng cấp U-crai-na V.Dê-len-xki đã có cuộc điện đàm tích cực, theo đó nhất trí sẽ sớm thảo luận về thời điểm tổ chức một hội nghị cấp cao theo định dạng Noóc-man-đi (gồm Pháp, Đức, Nga và U-crai-na), nhằm tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Min-xcơ về giải quyết xung đột ở miền đông U-crai-na. Trước đó, Tổng thống V.Pu-tin khẳng định, Mát-xcơ-va luôn sẵn sàng đối thoại với Ki-ép và không từ chối lời đề nghị của Tổng thống U-crai-na về việc cùng tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu.
Các nhà phân tích cho rằng, đối với Nga, cuộc trao đổi tù nhân gửi đi thông điệp Mát-xcơ-va sẵn sàng hợp tác không chỉ với U-crai-na mà cả phương Tây. Về phía Tổng thống U-crai-na V.Dê-len-xki, những bước đi xoa dịu căng thẳng với Nga là lời khẳng định cho việc thực hiện lời hứa khi tranh cử là mang lại hòa bình cho khu vực Đôn-bát, kết thúc tình trạng xung đột đẫm máu ở miền đông U-crai-na mà theo ông đã cướp đi sinh mạng của 13 nghìn người kể từ năm 2014. Hồi đầu tháng 8 vừa qua, ông V.Dê-len-xki đã đề nghị Tổng thống Nga V.Pu-tin hỗ trợ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với phe đòi độc lập ở miền đông. Trong bối cảnh Pháp, Đức, Nga và U-crai-na đang thúc đẩy kế hoạch tổ chức một hội nghị cấp cao theo định dạng Noóc-man-đi, cuộc trao đổi tù nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng để các bên cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán.
Các nhà phân tích nhận định, cuộc trao đổi tù nhân chỉ là bước khởi đầu và quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Nga và U-crai-na, cũng như lập lại hòa bình tại miền đông U-crai-na vẫn là con đường nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cánh cửa giải quyết căng thẳng đã hé mở và hai bên cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy đối thoại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()