Dấu hiệu rõ nét của sự phân luồng
Học sinh Trung tâm GDTX huyện Cao Lộc thực tập nghề tại Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn |
Tín hiệu từ các nhà trường
Số liệu cập nhật của Sở GD&ĐT tính đến ngày 11/5/2016 cho thấy, trong số 10.080 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2016, số thí sinh chỉ ĐKDT tốt nghiệp là 5.758 em, chiếm tỷ lệ 57,4% và chỉ còn 4.295 em ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh, chiếm tỷ lệ 42,6%. So với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, tỷ lệ thí sinh ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh đã giảm gần 10%. Trừ một số trường khu vực thành phố có tỷ lệ thí sinh ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh vẫn cao như THPT Chu Văn An là 100%, THPT Việt Bắc là 71%, những trường còn lại đều giảm; đặc biệt là các trường huyện, trường khu vực và các Trung tâm GDTX. Nếu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, tỷ lệ ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh ở loại hình Trung tâm GDTX đạt 14%, thì kỳ thi năm nay, số thí sinh đăng ký nguyện vọng này chỉ đạt 3-4%.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri cho biết: là một trường trung tâm huyện, phong trào học tập của nhà trường luôn được xếp tốp khá của tỉnh. Năm học 2014-2015, nhà trường có 421 học sinh dự thi, trong đó có 387 học sinh được công nhận tốt nghiệp (tỷ lệ 91,92%). Trong số trên 50% số học sinh ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh, có nhiều học sinh đã đỗ vào các trường đại học thuộc “tốp cao”. Tuy nhiên, không vì vậy mà năm nay tỷ lệ học sinh ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh tăng, thậm chí giảm, chỉ còn 40,05%. Cũng như Trường THPT Lương Văn Tri, số học sinh ĐKDT tốt nghiệp và tuyển sinh của Trường THPT Tràng Định giảm từ 48% năm 2015 xuống còn 31,3% trong năm nay. Thầy giáo Hoàng Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Học sinh thời nay đã thực tế hơn rất nhiều. Cứ nhìn vào các gương anh chị đã tốt nghiệp và có tấm bằng đại học các ngày: Sư phạm, Kinh tế, Luật… tại các trường đại học khá “danh giá” nhưng khi về lại thất nghiệp. Trong khi nhiều người học hết THPT đi học nghề và tham gia làm việc tại các doanh nghiệp, có thu nhập tốt… là các em đã tự rút ra bài học cho mình”.
Hài hòa giữa nguyện vọng và thực tế
Sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, việc ĐKDT trong kỳ thi THPT Quốc gia là công việc hệ trọng, vì đây là sự bắt đầu tương lai của cả một đời người. Vì vậy, mỗi lựa chọn là sự tổng hòa của sự suy nghĩ chín chắn của cá nhân, cộng với tình hình thực tế của gia đình, bản thân, sự tư vấn của các thầy, cô giáo. Cho dù sự lựa chọn là khá khó khăn, song cuối cùng mỗi học sinh cũng đã có một quyết định cho riêng mình. Tâm sự với chúng tôi, em Nông Thị Hân, học sinh lớp 12C2 Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh cho biết: vừa học chương trình phổ thông em vừa học chương trình phiên dịch tiếng Nhật và sắp tới em cũng sẽ hoàn thành chương trình này. Vì vậy, em chỉ cần tấm bằng tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ theo nghề phiên dịch. Còn em Hoàng Tuyên Vũ, học sinh lớp 12 A2 thì nói rằng được vào học trường nội trú là một sự may mắn đối với em và gia đình vì được nhà nước nuôi “trọn gói” trong suốt 3 năm trời. Tuy vậy, học đại học lại là vấn đề khác, nó liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là kinh tế. Nghèo như gia đình em, chắc chắn không thể đủ tiền cho em học đại học. Vả lại, sau khi học xong đại học, vấn đề việc làm lại là một gánh nặng nữa mà em tin rằng mình và gia đình không thể “gánh” nổi. Chi bằng chỉ cần tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề để có việc làm, thu nhập đỡ cho gia đình.
Thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú cho biết: bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, đã có nhiều trường hợp suy nghĩ một cách rất thực tế như em Hân, em Vũ… Bằng chứng là tỷ lệ học sinh chỉ ĐKDT tốt nghiệp đã tăng từ 4 em (năm 2015) lên 19 em trong năm nay.
Nói về vấn đề này, đồng chí Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: đây là điều đáng mừng bởi giờ đây, con đường vào đại học không phải là lựa chọn duy nhất của thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Trong quy hoạch GD&ĐT Lạng Sơn đến năm 2020, vấn đề phân luồng học sinh đang được coi là vấn đề khó. Tuy nhiên, 2 năm qua đã có sự “chuyển động” khá rõ nét. Sự chuyển động ấy là từ nhận thức xã hội tác động đến sự chuyển biến tư duy nghề nghiệp, việc làm của người dân nói chung và thanh niên nói riêng.
Ý kiến ()