Đấu giá tác phẩm đặc biệt của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam
Đây là cuộc hội ngộ lớn giữa các danh họa sau nhiều năm vắng bóng, là cơ hội để công chúng được thưởng thức các tác phẩm đặc biệt của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: Trí-Lân-Vân-Cẩn và Nghiêm-Liên-Sáng-Phái.
Tác phẩm Phố cũ của danh hoạ Bùi Xuân Phái được đấu giá đợt này |
Trước buổi đấu giá vào 18h ngày 30/7 tại Nhà Đấu giá nghệ thuật Chọn (số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội), chiều 21/7 đã diễn ra triển lãm với 14 tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: Trí-Lân-Vân-Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), Nghiêm-Liên-Sáng-Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái).
Đấu giá tác phẩm nghệ thuật sẽ thúc đẩy hoạt động sáng tác của họa sĩ
Tranh giả và tranh chép đã ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật Việt Nam suốt những năm 90 của thế kỷ 20 cho đến nay mà không có bất kỳ biện pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết triệt để. Đặc biệt nạn làm tranh giả của các danh họa thời Đông Dương đã ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế của các cố họa sĩ và giá trị của các tác phẩm thật.
Luật Đấu giá tài sản 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 là tín hiệu đáng mừng cho thị trường đấu giá còn rất non trẻ tại Việt Nam. Từ đây, những vấn đề liên quan đến đấu giá sẽ có căn cứ để tháo gỡ. Cả người mua, người bán và nhà đấu giá đều được phân chia những quyền lợi và trách nhiệm cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi bên. Các hiện vật đấu giá được minh bạch, công khai về nguồn gốc và giá trị kinh tế.
Các phiên đấu giá sẽ luôn được công khai và minh bạch trên các phương tiện truyền thông. Nếu có vấn đề tranh chấp giữa các bên tham gia, ban tổ chức hoàn toàn chịu trách nhiệm, liên đới và hỗ trợ các bên giải quyết trước pháp luật. Trong một tháng (30 ngày) kể từ sau ngày phiên đấu, nếu người mua có bất kỳ thông tin hay chứng cứ chứng minh bức tranh là giả, ban tổ chức sẽ hoàn lại 100% giá trị bức tranh cũng như bồi thường thiệt hại tinh thần cho người mua.
Thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay vẫn còn khá ảm đạm, do thiếu vắng thị trường đấu giá trong nước. Việc mua bán giao dịch các tác phẩm nghệ thuật đa phần do tự phát. Trước đây, tác giả hay chủ sở hữu các tác phẩm mỹ thuật có giá trị vẫn đang quen với cách bán phổ thông, chủ yếu là ký gửi tác phẩm tại các phòng tranh, các triển lãm với một giá được niêm yết. Nếu giao dịch thành công, tác giả hay chủ sở hữu phải chi trả một phần giá trị tài sản bán được cho bên nhận ký gửi. Bên cạnh đó, những hình thức bán đấu giá từ thiện vẫn diễn ra lại không phản ánh được giá trị đích thực của tác phẩm…
Nhiều họa sĩ cho rằng, nếu tổ chức thành công và được tổ chức thường xuyên, việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật sẽ góp phần mở ra một một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, vừa hạn chế tình trạng thất thoát thuế của Nhà nước, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác của các họa sĩ trong nước, giúp những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập có thêm cơ hội tìm đến những tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được pháp luật bảo hộ.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()