“Đau đầu” quản lý con em trong dịp hè
(LSO) – Một năm học vừa kết thúc, các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè. Con trẻ mong đợi đến kỳ nghỉ hè để không phải dậy sớm, không phải vùi đầu học tập từ sáng đến chiều, được thoải mái vui chơi và thực hiện những dự định mà chúng luôn ấp ủ, nhưng với bậc phụ huynh thì đây là khoảng thời gian “đau đầu” nhất.
Qua khảo sát của phóng viên trên địa bàn tỉnh, phần đông mọi người đều bày tỏ lo lắng về công tác quản lý con em trong kỳ nghỉ hè. Với học sinh mầm non, nhà trường có dịch vụ trông trẻ dịp hè; học sinh THPT, THCS có thể tự quản lý thời gian và tham gia các khóa học trải nghiệm, học thêm… Còn các em học sinh cấp tiểu học là đối tượng chưa có đủ nhận thức cũng như kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích.
Chị Hoàng Thị Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn có hai người con cho biết: Mỗi dịp hè là vợ chồng tôi lại đau đầu với việc tìm chỗ chơi cho con. Con được nghỉ nhưng vợ chồng vẫn phải đi làm. Định gửi các cháu đi học thêm nhưng không có ai đưa đón nên bất đắc dĩ phải để hai đứa ở nhà tự trông nhau…
Nhiều gia đình không có người trông nom phải để các con ở nhà tự trông nhau
Còn chị Hà Thị Chinh, thôn Làng Muồng, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng (cả hai vợ chồng đều đi làm ở công ty tại Bắc Ninh) cho biết: Những năm trước, vào dịp nghỉ hè phải gửi hai con về ngoại nhưng năm nay, các cháu lớn hơn, ông bà ngoại sức khỏe yếu nên chưa biết phải làm như thế nào để có thời gian tiếp tục đi làm.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có gần 68.000 học sinh cấp tiểu học. Đây là lứa tuổi rất hiếu động, dễ bị tai nạn thương tích. Trong khi thời gian nghỉ hè của học sinh kéo dài gần 3 tháng, các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm cả ngày.
Với những gia đình may mắn có ông bà sống cùng thì đỡ phải lo lắng, vì có người trông nom. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể nhờ cậy được ông bà. Nhiều gia đình đành “nhốt” con ở nhà, mở tivi, điện thoại để giữ chân trẻ, cha mẹ nghỉ làm luân phiên trông con hoặc đưa con đến cơ quan. Nhiều phụ huynh thì “chạy đôn, chạy đáo” tìm những lớp học thêm với lịch học dày đặc mà cốt yếu là để “lấp đầy” thời gian rảnh của con. Học thêm rồi lại học thêm – điệp khúc ấy lại diễn ra; kỳ nghỉ hè của trẻ lại biến thành kỳ học thứ ba.
Anh Đinh Quang Trí, Trưởng phòng Trẻ em – Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Dịp nghỉ hè của trẻ em kéo dài gần 3 tháng, lại trùng với tháng hành động vì trẻ em (tháng 6), sở đã phối hợp với các ngành hướng dẫn các hoạt động cho trẻ trong dịp hè như: thăm hỏi tặng quà, mở các lớp dạy kỹ năng… Phối hợp với nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể quản lý, giám sát, hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng vui chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn; hướng dẫn các em đến các lớp bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách sống có trách nhiệm, tích cực với cộng đồng, xã hội, chủ động phòng chống tại nạn thương tích…
Để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn rất cần sự quan tâm của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình để phối hợp tổ chức các cuộc thi, các mô hình sinh hoạt hè, mở các lớp dạy kỹ năng sống, các trại hè miễn phí như “Trại hè công an”, “Trại hè kỹ năng sinh tồn”, “Khóa tu mùa hè”, “Hòa mình với thiên nhiên”… phù hợp với nhiều lứa tuổi cho các em được tham gia rèn luyện đức tính kỷ luật, kiên trì, hoạt động trong môi trường tập thể, từ đó tạo thêm tự tin và mạnh dạn, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thoát hiểm hoặc tự vệ… Qua đó giúp ích nhiều cho các em trong cuộc sống, chuẩn bị tâm lý thoải mái khi bước vào năm học mới. Đồng thời, làm giảm nỗi lo, áp lực quản lý con trẻ của các bậc phụ huynh để có nhiều thời gian hơn trong công việc, lao động sản xuất.
ĐĂNG THÙY - HOÀNG VƯƠNG

Ý kiến ()