Thứ 7, 23/11/2024 22:09 [(GMT +7)]
Dấu chân người lính "mở đất"
Thứ 4, 06/07/2011 | 09:04:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Để có những cánh rừng thông bạt ngàn xanh vươn mình trong nắng gió, cùng biết bao bản làng ấm áp, đông vui bên từng thửa ruộng bậc thang lúa trĩu bông, chắc hạt trên vùng biên ải, nơi địa đầu Tổ quốc… là do một phần công sức không nhỏ của những người lính “mở đất” thuộc Trung đội Công binh 576 (Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn), không ngại gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm đối mặt với “tử thần”, trả lại sự bình yên cho đất…
Bộ đội Công binh đang rà phá bom mìn, vật nổ tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định |
Doanh trại dã chiến chính qui
Sáng sớm, khi đất trời còn chìm trong màn đêm yên tĩnh, tôi theo xe của Trung tá Lê Hữu Đằng, Chủ nhiệm Công binh, Bộ CHQS tỉnh lên vùng cao biên giới xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, đến nơi những người lính Trung đội Công binh 576 đang rà phá, rò gỡ vật cản. Trôi qua bên cửa xe là bạt ngàn nương ngô, đang trổ cờ tung phấn, địu bắp to bằng cổ tay, cổ chân, đan xen, tiếp nối giữa những cánh rừng thông non đang reo vui trong gió.
Khi cái nắng chói chang, gắt gao của mùa hè “dội lửa” xuống xã Đội Cấn thì chúng tôi cũng đến doanh trại dã chiến của những người lính Công binh nằm nép mình bên cánh rừng thông, giáp con suối Nặm Chà. Tôi thật sự ngạc nhiên, bởi sự gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, chính qui…từ hệ thống nhà kho, nhà bếp, đến chỗ ngủ, nghỉ, giường, phản kê đều tăm tắp của người lính nơi núi rừng hoang vắng này. Thú vị hơn, giữa không gian im ắng, bỗng nổi lên tiếng kêu quang quác của bầy gà, ngan, ngỗng và… “các chú ỉn”. Xa xa, giáp bờ suối, những luống rau muống, mùng tơi, dền… xanh mơn mởn. Dường như đọc thấy sự ngỡ ngàng trên gương mặt tôi, anh Đằng cười tủm tỉm bảo: “Lính Công binh chúng tôi quanh năm, suốt tháng “lênh đênh” trong những cánh rừng, tuy đây là doanh trại dã chiến, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng anh em xác định, mọi lúc, mọi nơi đều phải chính qui. Và điều cơ bản là chúng tôi luôn thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Thực túc thì binh cường”, để bộ đội có đủ sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm này”. Được biết, tuy vào đây làm nhiệm vụ chưa đầy 1 tháng, nhưng các anh đã kịp nuôi hơn 100 con gà vịt, ngan…
Chinh phục những “thần chết”
Mặc cho trời nắng chang chang, tôi cũng “đội oi nồng” theo chân các anh trong Bộ CHQS tỉnh cuốc bộ gần 3 cây số, ra nơi bộ đội đang rà phá bom mìn. Sau khi len lỏi qua con đường mòn tím ngắt hoa sim, chúng tôi đứng trước quả đồi dốc gần như dựng đứng. Từ trên đỉnh đồi, Trung úy chuyên nghiệp Hoàng Văn Đức, Trung đội trưởng chạy xuống, thấy mặt mũi tôi bị cái nắng vùng biên nhuộm đỏ như gấc chín, mũi mồm tranh nhau thở, Đức mỉm cười nói: “Nữ “nhà báo chiến sĩ” à, thật cảm động khi chị “xung kích” đến nơi chúng tôi đang làm nhiệm vụ, chị cố gắng bám chắc vết chân tôi nhé, đường lên khó đi và nguy hiểm lắm đấy”. Vừa leo dốc, Đức vừa bảo, quả đồi này người dân địa phương gọi bằng cái tên khá thú vị đó là Đuốc Mậy Thang, nằm sát chân điểm cao huyền thoại 820. Nơi đây dày đặc những “thần chết” ẩn mình sâu dưới đất. Theo như lời Đức thì, phải đi đúng vào giữa lối mòn, bởi xung quanh đường lên đồi vẫn đang tiếp tục được bộ đội tiến hành rò gỡ vật nổ. Nghe Đức nói thế, sống lưng tôi bỗng thấy lành lạnh, và tay, chân nổi da gà vì…sợ! Tôi có cảm giác, chỉ sểnh chân một chút thôi, không biết hậu quả sẽ ra sao? Thế mới biết, người lính Công binh vất vả đến nhường nào. Và trước mắt tôi, những người lính Công binh, giữa vùng biên giới rộng mênh mang, dưới cái nắng đổ lửa cháy xém da vẫn miệt mài, say sưa và cẩn trọng trong chu trình xử lý rà phá vật nổ. Người thì dò cắm cờ giới hạn, người phát dọn cây cối tạo mặt bằng, chăng dây làm dải phân cách, sau đó họ cầm máy dò mìn nhẹ nhàng tiến về phía trước, liên tục máy phát tín “tít…tít…tít” báo hiệu dưới lòng đất có kim khí, và những lá cờ đỏ hình tam giác bé nhỏ cắm chi chít vào nơi có vật nổ. Thiếu úy Liễu Tiến Dũng, dân tộc Tày, quê Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn là người trực tiếp cầm máy dò mìn, tâm sự: “Điều cơ bản là phải làm đúng qui trình, nguyên tắc và bình tĩnh, tránh sơ xuất đáng tiếc, vì nếu để xảy ra sai lầm, chúng tôi phải trả giá bằng xương máu, không có cơ hội sửa chữa, rút kinh nghiệm”. Khi tôi nhìn “thần chết” là quả mìn K58 lộ ra dưới lòng đất do Binh nhất Vi Văn Phòng, quê ở Cao Lộc vừa phát hiện, thì tôi hoảng hốt thật sự, bởi bao năm nay, mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vật nổ lạnh lùng, nguy hiểm dấu mình trên những quả đồi, khe suối, lòng thung sẽ gây ra thương vong cho người dân trong thời bình. Tôi khẽ nhắm mắt lại vì bỗng thấy lo lắng. Sau khi cẩn thận rào chắn, đánh dấu quả mìn để cuối ngày xử lý, Phòng bộc bạch: “Nghề của chúng tôi không cho phép sai sót, vì thế ngoài rèn luyện tâm lý vững vàng, chúng tôi luôn thực hiện tốt phương châm “Trách nhiệm cao, rà phá sạch, xử lý tốt, an toàn tuyệt đối”.
Hiệu quả cao trong “nghề nguy hiểm”
Qua trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Trung đội, tôi biết, trong kế hoạch năm nay, Trung đội tiến hành rà phá diện tích 20ha “đất chết” ở xã Đội Cấn, để giải phóng mặt bằng, bàn giao “đất sạch” cho chính quyền và bà con nhân dân địa phương sử dụng. Sau 1 tháng tiến hành rò gỡ, Trung đội đã phát hiện hơn 3000 tín hiệu, tiến hành rò gỡ, hủy nổ hơn 200 quả mìn các loại, trong đó phần lớn là mìn K58, K69, bom Z2… và đã “làm sạch” được 7ha đất. Đây là những con số “biết nói” phản ánh sự cống hiến không mỏi mệt của những người lính Công binh Trung đội 576, với mong muốn cháy bỏng, sau những dấu chân thầm lặng đi “mở đất” của họ, những nương lúa, ngô tươi tốt, cùng nhiều cánh rừng thông xanh non trù phú sẽ mọc lên, mang đến cho đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh nhà cuộc sống ấm no, bình yên tràn đầy hạnh phúc.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()