Dấu ấn xã hội hóa ở cấp học mầm non
Giờ vệ sinh ở Trường Mầm non xã Lợi Bác (Lộc Bình) |
Dẫn chúng tôi đi xem cơ ngơi được mở rộng của trường MN Hưng Vũ và MN Vũ Sơn huyện Bắc Sơn, cô Đỗ Thanh Loan, Phó Phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn nói rằng, nếu không có các hộ nhường đất để mở rộng các trường MN, thì cho dù nhà nước có đầu tư bao nhiêu chăng nữa, Bắc Sơn vẫn cứ loay hoay trong vấn đề mặt bằng của các nhà trường, và như vậy, công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn huyện vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Thật vậy, nhìn mặt bằng sân chơi và khu phòng học mới tọa lạc trên diện tích 1.510m2 đất mà 6 gia đình ở thôn Minh Đán I hiến tặng cho cho Trường MN Hưng Vũ; phòng học, sân chơi của Trường MN Vũ Sơn trên diện tích 1.660 m2 mà gia đình bà Nguyễn Thị Tám hiến tặng, chúng tôi cảm phục sự đóng góp lớn lao của người dân đối với các trường MN.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, ngành GD&ĐT Lạng Sơn gặp quá nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất vẫn là mặt bằng trường học, CSVC cho cấp học. Năm học 2010-2011, toàn tỉnh mới có 119 xã có trường MN với 139 trường MN, trong đó có tới 18 trường MN đã thành lập nhưng chưa có địa điểm riêng, 98 xã thuộc khu vực biên giới, khu vực khó khăn chưa có trường MN. Tuy vậy, chỉ trong 3 năm, toàn tỉnh đã giảm số xã chưa có trường MN từ 107 xã xuống còn 40 xã, trong 203 trường MN, đã có 200 trường thực hiện bán trú với tỷ lệ 88,3% trẻ được bán trú. Nếu năm 2011, toàn tỉnh mới có 27 xã đạt chuẩn, thì năm học 2013-2014 đã có 118 xã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Thành tựu đó là sự nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị, nhưng trực tiếp là sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, các đơn vị, cơ quan trong việc mở rộng diện tích tích, tăng cường CSVC cho cấp học này. Trong 3 năm qua, đã có 89 hộ gia đình của 10 huyện hiến đất với tổng số 63.770 m2. Điều đáng nói là, ngành GD&ĐT đã biết khơi dậy tinh thần của người dân nên phong trào hiến đất không chỉ dừng lại ở sự đơn lẻ mà đã trở thành phong trào. Nếu năm 2011 có 14 hộ hiến gần 13.800m2 thì năm 2012 đã có 38 hộ hiến gần 28.000 m2 và năm 2013 có 30 hộ hiến trên 18.900 m2. Nhân dân hiến đất, đóng góp tiền bạc và ngày công, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ kinh phí dựng lớp học nhà bếp, nhà vệ sinh, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng bán trú, đồ chơi cho các nhà trường…
Trong 3 năm qua, từ kênh XHH đã huy động được trên 9,4 tỷ đồng để xây dựng 93 phòng học, riêng phụ huynh và các tổ chức cá nhân đã đóng góp trên 6,6 tỷ đồng xây dựng 64 phòng học, hàng chục nhà bếp, mua sắm hàng trăm bộ đồ dùng bán trú cho học sinh. Điểm nổi bật là, những đơn vị càng khó khăn, thì sự vào cuộc của người dân càng mạnh mẽ và mang lại hiệu quả lớn. Văn Quan, Bình Gia, Đình Lập là những huyện nghèo, chính sự ủng hộ của người dân đã giúp ngành tháo gỡ nhiều khó khăn để có mặt bằng xây dựng. Với trên 18 ngàn m2 đất của 17 hộ hiến tặng, huyện Văn Quan đã có cơ hội để tách các trường MN ra khỏi trường phổ thông. Tiền bạc của người dân xã Tân Đoàn đã hội tụ với sự đóng góp của CBGV trong ngành GD Văn Quan xây dựng nên bếp ăn một chiều của trường MN. Đồng chí Đổng Tiến Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan nói rằng, bếp ăn một chiều của trường MN xã Tân Đoàn không chỉ là sự điển hình của các trường khu vực nông thôn mà cao hơn còn là sự tiêu biểu của sự “hợp sức” giữa cấp ủy đảng, chính quyền, người dân địa phương và ngành GD&ĐT.
Phải nói rằng, bằng công tác XHH, người dân đã góp phần tháo gỡ “nút thắt”về mặt bằng cho cấp học MN, song để duy trì công tác này và đưa nó vào chiều sâu có hiệu quả, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc gợi dậy sức dân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đồng chí Nông Xuân Tỉnh, Phó Bí thư Đảng bộ Vũ Sơn cho biết: quán triệt các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy Bắc Sơn và gần đây nhất là Nghị quyết số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Vũ Sơn đã có nghị quyết về công tác XHHGD, tăng cường hiệu quả tuyên truyền của hệ thống chính trị đến người dân để “tiếp sức” cho GD mà trước hết là cấp học MN. Trường MN được tách riêng, có cơ ngơi đảm bảo cho học sinh bán trú và 2 buổi/ ngày là kết quả của sự nỗ lực ấy.
Người dân đã dốc lòng với cấp học mầm non, việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả những “tấc vàng” của người dân luôn được các cấp quan tâm. Mặt khác, ngành GD&ĐT cũng tỏ rõ sự biết ơn nhân dân bằng sự đền đáp thỏa đáng. Đến nay, đã có 40 người trong các gia đình hiến đất được nhận vào làm việc tại các nhà trường, 8 cá nhân được Bộ GD& ĐT tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp GD&ĐT”, 1 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen và 21 cá nhân được UBND các huyện tặng giấy khen. Đây chính là sự ghi công của nhà nước, của ngành GD đối với người dân. Cao hơn hết, hiệu quả công tác GD, tiến trình phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi được đẩy nhanh sẽ tạo niềm tin cho người dân cống hiến nhiều hơn nữa cho GD&ĐT nói chung và GDMN nói riêng.
Ý kiến ()