Dấu ấn Việt Nam trong nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc
Trong 3 năm trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (2014 - 2016), Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và đã để lại những dấu ấn rõ nét.
Nhận định trên được bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tại “Tọa đàm kỷ niệm ngày nhân quyền thế giới (10/12)” do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.
tại “Tọa đàm kỷ niệm ngày nhân quyền thế giới (10/12)” tổ chức ngày 9/12.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua gần 71 năm trước đã đánh dấu một thời khắc lịch sử về quyền cơ bản của con người. Đây không chỉ là sự ghi nhận các quyền tự do cơ bản của con người, mà còn là sự nỗ lực chung của toàn cầu trong việc tạo ra một tập hợp chung các giá trị nhân bản phổ quát trên khắp thế giới.
Trong suốt nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 -2016, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và luôn cho thấy là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực và xây dựng.
Sự nghiêm túc và có trách nhiệm của Việt Nam được thể hiện trong việc tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người.
Nghiêm túc trong thực hiện cơ chế UPR (rà soát phổ quát định kỳ): rà soát chuẩn bị báo cáo quốc gia chu kỳ I và chu kỳ II; đối thoại thẳng thắn với các nước tại phiên bảo vệ UPR; thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Trong chu kỳ II, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị. Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị. Nhiều bộ, ngành cũng đề ra các kế hoạch riêng về thực hiện khuyến nghị.
Việt Nam được đánh giá cao về sự năng động và tích cực. Với vai trò làm điều phối viên của ASEAN, thành viên Nhóm làm việc về tình hình (đại diện cho châu Á), Việt Nam chủ động đưa ra các sáng kiến thuộc ưu tiên, lợi ích của Việt Nam.
Dù mới chỉ là lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhưng Việt Nam luôn chủ động đưa ra các sáng kiến thuộc ưu tiên, lợi ích của đất nước.
Tại khóa 32 Hội đồng nhân quyền (tháng 6/2016), Việt Nam cùng Bangladesh và Phillipines đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ. Việt Nam cũng tổ chức các tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự tại Hội đồng nhân quyền.
Tại Khóa 31 (tháng 3/2016), Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao Khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật.
Tại Khóa 32 (tháng 6/2016), phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sự kiện bên lề về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển.
Tại Khóa 33 (tháng 9/2016), phối hợp với Mỹ, Australia, Phillipines, Trung Quốc và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.
Trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề quyền con người. Các nước phương Tây, các nước đang phát triển đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền; trong nhiều trường hợp Việt Nam làm trung gian trong các cuộc thương lượng, ý kiến của Việt Nam được lắng nghe. Thậm chí, một số nước phương Tây còn cử đoàn sang trao đổi về Hội đồng nhân quyền (Mỹ có đoàn riêng; các nước châu Âu trao đổi qua kênh đối thoại song phương).
Theo bà Nga, sở dĩ các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam “bởi chúng ta không đứng ra chỉ trích một quốc gia nào mà luôn nhìn dưới góc độ và từ kinh nghiệm của Việt Nam. Việt Nam đã phải trải qua chiến tranh, bị bao vây cấm vận nên chúng ta rất hiểu cái gì cần hơn và từ kinh nghiệm cụ thể đó, Việt Nam đóng góp vào những giá trị chung của Hội đồng nhân quyền”.
Nhìn lại 3 năm đảm nhận vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, có thể thấy, Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiêu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng nhân quyền; đóng góp xây dựng giá trị chung của nhân loại.
Việc tham gia Hội đồng Nhân quyền giúp tăng cường tiếng nói, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích của Việt Nam và các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để đề cao chính sách, thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người; thúc đẩy được các vấn đề Việt Nam có lợi ích (quyền kinh tế – văn hóa – xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu và quyền con người, quyền của người lao động trên biển…;
Ngoài ra, khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng giúp Việt Nam có thêm công cụ đấu tranh, phản bác những luận điệu, thông tin sai lệnh về tình hình nhân quyền trong nước; hỗ trợ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước; thêm bạn bè; thêm kinh nghiệm tham gia các cơ chế đa phương, thực sự chuyển từ tham dự sang tham gia, từ tham gia sang đóng góp, định hình luật chơi với vấn đề từng được xem là rất nhạy cảm, đó là quyền con người.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga cho biết, mặc dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ ở Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, nhưng nhiệm vụ của Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục duy trì tiếng nói của Việt Nam ở Hội đồng nhân quyền.
“Khi không còn là thành viên Hội đồng nhân quyền thì Việt Nam không còn quyền bỏ phiếu nữa, nhưng Việt Nam vẫn có quyền tham gia vào việc thảo luận cũng như có quyền thương lượng vào các Nghị quyết. Việt Nam vẫn phải duy trì sự tham gia một cách nghiêm túc và có trách nhiệm cũng như phải duy trì các sáng kiến của mình ở Hội đồng nhân quyền. Cụ thể là 3 sáng kiến về quyền con người, về nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, về biến đổi khí hậu”- bà Hoàng Thị Thanh Nga chia sẻ.
Khi Việt Nam không còn là thành viên của Hội đồng nhân quyền nữa, nhưng dự kiến vào tháng 3 tới, Việt Nam vẫn mong muốn tổ chức một Triển lãm ảnh về tác động của biến đổi khí hậu đối với người dân ở vùng ven biển Việt Nam và dọc sông Mê kông. Cùng với đó, Việt Nam cũng luôn hướng tới việc sớm được trở lại làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga cho hay, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng bảo an khóa 2020 – 2021. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhưng Việt Nam cũng luôn suy nghĩ sớm trở lại vào Hội đồng nhân quyền với những kế hoạch cụ thể. Bởi Việt Nam xem Hội đồng nhân quyền là diễn đàn hết sức quan trọng để thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như thể hiện chính sách của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung.
Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền, Đại diện UNDP tại Việt Nam, ông Đen-nít Cơ-ri (Dennis Curry), khẳng định Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào hoạt động của hệ thống nhân quyền quốc tế. Việt Nam chấp thuận và thực hiện nhiều khuyến nghị liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt vừa qua đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn. Ông Đen-nít Cơ-ri tin tưởng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quyền con người trong thời gian tới. |
Theo dangcongsan
Ý kiến ()