Dấu ấn trên những công trình thủy lợi
Thủy điện Hòa Bình Những công trình thủy lợi dọc chiều dài Tổ quốc, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xóa đói, giảm nghèo. Trong hệ thống thủy lợi dày đặc đó có dấu ấn không nhỏ của Viện Quy hoạch Thủy lợi.Từ bước sơ khai...Thành lập năm 1961, Viện Quy hoạch Thủy lợi từ một đơn vị có bốn kỹ sư được đào tạo ở Liên Xô (trước đây) và Trung Quốc; tám kỹ sư Trường đại học Bách khoa và một số cán bộ từ công trình Bắc Hưng Hải về, với trang thiết bị máy móc thô sơ, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, phải nhờ sự giúp đỡ của một số chuyên gia Trung Quốc về lĩnh vực quy hoạch và khai thác sông Hồng. Ngày nay, Viện đã có một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và khoa học công nghệ trong lĩnh vực quy hoạch phát triển thủy lợi cho đất nước với gần 150 cán bộ,...
|
Từ bước sơ khai…
Thành lập năm 1961, Viện Quy hoạch Thủy lợi từ một đơn vị có bốn kỹ sư được đào tạo ở Liên Xô (trước đây) và Trung Quốc; tám kỹ sư Trường đại học Bách khoa và một số cán bộ từ công trình Bắc Hưng Hải về, với trang thiết bị máy móc thô sơ, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, phải nhờ sự giúp đỡ của một số chuyên gia Trung Quốc về lĩnh vực quy hoạch và khai thác sông Hồng. Ngày nay, Viện đã có một đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và khoa học công nghệ trong lĩnh vực quy hoạch phát triển thủy lợi cho đất nước với gần 150 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 50 cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, hơn 80% số cán bộ viên chức có trình độ đại học trở lên.
Trong suốt chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, nhất là sau 20 năm đổi mới, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức Viện Quy hoạch Thủy lợi đã cùng đất nước phấn đấu đạt thành tích đáng ghi nhận trong nghiên cứu quy hoạch thủy lợi, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Đó là hàng trăm dự án thiết kế quy hoạch theo các lưu vực sông, vùng lãnh thổ lớn, nhỏ trong cả nước và giúp các nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Trong đó, các thành tựu chính là quy hoạch trị thủy và khai thác sông Hồng, bao gồm các quy hoạch phòng, chống lũ; cấp, thoát nước, giao thông thủy; lập sơ đồ khai thác bậc thang dòng chính sông Hồng. Theo bước chân những người làm quy hoạch thủy lợi mới thấy được sự ra đời của nhiều công trình tiêu biểu cho đất nước như: Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Hòa Bình; đồng thời, lập quy hoạch sử dụng phát triển nguồn nước cho các vùng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với nhiều công trình đã trở thành hiện thực và có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế đất nước như: Thạch Nham, Nam Thạch Hãn, Krông Búc hạ, YaSúp, hồ Dầu Tiếng, Trị An, Phú Ninh, Thác Mơ… trục dẫn nước ngọt cải tạo đất Hồng Ngự, vùng Đồng Tháp Mười; Trục Quản Lộ – Phụng Hiệp; Bán đảo Cà Mau… Nhiều công trình lớn trong quy hoạch cũng đã được khởi công và sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới như: Cửa Đạt, Tả Trạch, Rào Quán, Rào Đá, Nước Trong, Định Bình… Ngoài ra, Viện còn lập quy hoạch vùng đồng bằng cho nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia. Quy hoạch thủy lợi phục vụ ba vùng kinh tế trọng điểm của đất nước (Bắc Bộ, Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ) đáp ứng kịp thời yêu cầu của Chính phủ và các Ban chỉ đạo vùng trọng điểm. Đặc biệt, Viện đã chủ trì lập chiến lược phát triển thủy lợi toàn quốc phục vụ cho các giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
…Đến những thành công
Viện đã chủ trì các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước về điều tra cơ bản; cân bằng bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước trong toàn lãnh thổ. Những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã và đang mang lại hiệu quả cao cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước làm cơ sở cho các ngành sử dụng về nước và các cơ quan quản lý hoạch định chiến lược phát triển của ngành một cách hợp lý, giúp các cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành ra những hoạch định chính sách sử dụng nước chính xác và đúng đắn. Nỗ lực nghiên cứu quy trình vận hành tối ưu hồ chứa nước Thủy điện Hòa Bình được ứng dụng trong vận hành trở thành quy trình vận hành chính thức chủ động điều hành chống lũ, góp phần tăng công suất điện trong mùa lũ, giảm được mức thiệt hại hằng năm do lũ gây ra.
Việc nghiên cứu cơ sở khoa học về khả năng thoát lũ của hệ thống công trình sông Đáy; cải tiến công nghệ cân bằng nước trong quy hoạch phát triển tài nguyên nước, ứng dụng các phần mềm tiên tiến vào công tác tính toán quy hoạch, phát triển tài nguyên nước là vấn đề rất quan trọng trong phát triển kinh tế dân sinh, nhất là trong mặt trận sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Viện Quy hoạch Thủy lợi đã lao động sáng tạo, phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp phát triển thủy lợi, là một trong những đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch phát triển thủy lợi ở Việt Nam.
Với những thành tích đạt được, Viện Khoa học Thủy lợi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba và ngày 16-9-2011, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, Viện vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất lần thứ hai. Với truyền thống vẻ vang đó, Viện tiếp tục phấn đấu trở thành Viện quốc gia hàng đầu và mạnh trong khu vực về quy hoạch thủy lợi, là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ quy hoạch thủy lợi và các lĩnh vực liên quan, sử dụng tối ưu nguồn nước giữ môi trường bền vững, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()