Dấu ấn thu nội địa
- Những năm gần đây, công tác thu nội địa trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự chủ động của cơ quan thuế và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, sự nỗ lực của người nộp thuế (NNT), công tác thu nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.
Khoảng hơn 3 năm trở lại đây, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp… đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, từ đó đã tác động trực tiếp đến việc thu ngân sách trên địa bàn.
Đối diện khó khăn
Năm 2021, dự toán thu nội địa trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài chính giao là 2.185 tỷ đồng; năm 2022 được giao là 2.250 tỷ đồng; năm 2023 được giao 2.094 tỷ đồng và năm 2024 được giao 2.385 tỷ đồng. Dự toán thu nội địa trên địa bàn tỉnh được giao giai đoạn này không phải quá cao so với những năm trước đó, tuy nhiên bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu lại rất đặc biệt.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Từ năm 2021 đến nay, việc triển khai thực hiện dự toán thu nội địa trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như một số khó khăn khác như biến động giá cả một số hàng hóa đầu vào; nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ; thị trường tiêu thụ sản phẩm một số mặt hàng bị thu hẹp... Từ đó dẫn tới một số khoản thu, sắc thuế bị sụt giảm lớn.
Điển hình như khoản thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương. Đây là 1 trong 4 khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nội địa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị còn chậm. Bên cạnh đó, việc nộp thuế của một số đơn vị thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước Trung ương trên địa bàn phải chịu sự điều tiết của phía tập đoàn, tổng công ty… dẫn tới số thu từ khu vực này những năm gần đây rất thấp.
Cụ thể năm 2021, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương được 284 tỷ đồng, đạt 96,3% dự toán; năm 2022 thu được 203 tỷ đồng, đạt 66,6% dự toán; năm 2023 thu được 230 tỷ đồng, đạt 92% dự toán và 3 tháng đầu năm 2024 thu được 36 tỷ đồng, đạt 16,4% dự toán, bằng 57,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, nhiều khoản thu, sắc thuế khác cũng bị sụt giảm như thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thu tiền cho thuê đất, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ… do từ năm 2021 đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đã có những chính sách miễn giảm, gia hạn thuế cho NNT gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể từ năm 2021 đến nay, các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm 420 tỷ đồng thuế cho trên 6.000 lượt NNT; thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế cho gần 900 lượt NNT với số thuế gia hạn là 241 tỷ đồng. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng thuế vẫn ở mức cao, một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn, kéo dài; thu tiền sử dụng đất từ năm 2023 trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn do không tiến hành đấu giá được các khu đất…
Trước những khó khăn như vậy, ngành thuế đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục khó khăn, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu để đảm bảo hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách được giao.
Vượt khó tăng thu
Bà Nguyễn Thị Đặng Hằng, Trưởng Phòng tuyên truyền và hỗ trợ NNT - Cục Thuế tỉnh cho biết: Để khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các nguồn thu, ngành thuế thường xuyên duy trì thực hiện tốt quản lý thuế theo chức năng như: không ngừng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý kê khai, kế toán thuế; tập trung thu hồi nợ thuế và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo đúng quy định.
Bên cạnh duy trì công tác quản lý thuế theo chức năng, đối với từng thời điểm cụ thể, ngành thuế đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, khai thác các nguồn thu một cách tốt nhất. Cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2022, qua rà soát, đánh giá thực tế, ngành thuế xác định nguồn thu có thể khai thác hiệu quả nhất chính là thu tiền sử dụng đất.
Để nâng cao hiệu quả thu tiền sử dụng đất, một mặt cơ quan thuế tham mưu cho ban chỉ đạo thu ngân sách các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động rà soát, khai thác các nguồn quỹ đất để tổ chức đấu giá đất. Mặt khác, cơ quan thuế chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức tuyên truyền, vận động, đôn đốc các trường hợp còn nợ tiền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của mình. Kết quả thu tiền sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh được 884,5 tỷ đồng, đạt 147,4% dự toán; năm 2022 được 1.007 tỷ đồng, đạt 187,8% dự toán. Từ kết quả tích cực trong thu tiền sử dụng đất đã bù vào những khoản thu, sắc thuế khác, từ đó góp phần quan trọng vào kết quả thu nội địa chung trên địa bàn tỉnh.
Bước sang năm 2023, khi nguồn thu từ đất có dấu hiệu chững lại thì đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để quản lý hiệu quả nguồn thu từ khu vực này, cơ quan thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát các trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh thành lập mới cũng như tất cả các trường hợp quay trở lại sản xuất, kinh doanh để đưa vào quản lý thuế.
Chị Hoàng Thị Thảo, đại diện hộ kinh doanh tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng đồ gia dụng, điện tử và khách hàng chủ yếu là khách du lịch. Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách rất ít nên phải tạm ngừng kinh doanh một thời gian. Trong thời gian đó, gia đình tôi được cán bộ thuế tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục để được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế. Năm 2023, khi quay trở lại hoạt động, cán bộ thuế tiếp tục hướng dẫn để gia đình tôi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đúng quy định.
Cùng với hộ kinh doanh kể trên, năm 2023, cơ quan thuế đã đưa vào quản lý thêm 348 doanh nghiệp, 628 hộ kinh doanh, lũy kế cơ quan thuế đưa vào quản lý 3.129 doanh nghiệp, 13.168 hộ kinh doanh. Qua đó góp phần tích cực vào kết quả thu từ khu vực ngoài quốc doanh (năm 2023 thu từ khu vực này được 492 tỷ đồng, đạt 110,3% dự toán).
Cùng với tập trung rà soát, khai thác hiệu quả các nguồn thu, từ năm 2021 đến nay, ngành thuế tiếp tục tập trung thực hiện công tác thu hồi nợ thuế; đôn đốc các trường hợp hết thời gian gia hạn nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường công tác chống thất thu; đẩy mạnh ứng dụng hóa đơn điện tử để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thuế…
Cụ thể từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm, ngành thuế đã thu hồi nợ thuế khoảng 700 tỷ đồng; tăng thu từ chống thất thu khoảng 20 tỷ đồng (công tác chống thất thu tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng cơ bản tư nhân, kinh doanh vận tải, quản lý cá nhân cho thuê tài sản, kinh doanh, chế biến nông, lâm sản). Bên cạnh đó, đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử; 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng…
Từ các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cơ quan thuế và sự nỗ lực vượt khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã góp phần quan trọng vào kết quả thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh năm 2021 được 3.243 tỷ đồng, đạt 148,4% dự toán Bộ Tài chính giao; năm 2022 được 2.914 tỷ đồng, đạt 129,5% dự toán Bộ Tài chính giao; năm 2023 được 2.515 tỷ đồng, đạt 120% dự toán Bộ Tài chính giao và qua 3 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh được 647,5 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán Bộ Tài chính giao.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công tác thu nội địa trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Hy vọng rằng thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, công tác thu nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước tiến mới. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()