Dấu ấn thu hút đầu tư
LSO-Những năm qua, với sự chủ động trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, tạo mặt bằng…, Lạng Sơn đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Bằng cơ chế mở và sự cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, Lạng Sơn đang tạo được dấu ấn rõ nét về số lượng dự án thu hút đầu tư.
Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shop-House của Tập đoàn Vingroup đang triển khai xây dựng |
Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 117 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 9.100 tỷ đồng. Trong đó: 63 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tổng vốn 3.500 tỷ đồng; 36 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng vốn 1.300 tỷ đồng; 9 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn hơn 4.300 tỷ đồng; 9 dự án thuộc lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn La Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết: Công tác xúc tiến đầu tư của Lạng Sơn thời gian qua đã được đa dạng hóa và đổi mới, do vậy, các hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng có hiệu quả, tập trung vào các đối tác trọng điểm, có tiềm lực, có sức lan tỏa. Trong đó có một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Đức Long – Gia Lai, Tổng Công ty bò thịt Việt Nam….
Cụ thể, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như: dự án đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shop-House của Tập đoàn Vingroup: 805 tỷ đồng; dự án khu thương mại dịch vụ tổng hợp Hiền Tuyết, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Hiền Tuyết: 45 tỷ đồng; dự án bến bãi, kho hàng, dịch vụ thương mại cửa khẩu Bình Nghi của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Thiên Trường: 74 tỷ đồng. Cùng đó là các dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: dự án đầu tư trung tâm chăn nuôi bò giống cao sản nhập ngoại và chủ động nguồn nguyên liệu cho chăn nuôi gia súc tại huyện Đình Lập của Công ty Cổ phần Kinh doanh bò thịt Việt Nam: 3.951 tỷ đồng; dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt huyện Tràng Định của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng giao thông Cửa Đông: 45 tỷ đồng…
Thời gian qua, một trong những địa bàn trọng điểm được tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh thu hút đầu tư chính là Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Với những cơ chế thu hút đặc thù, đến nay, trong khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 86 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 9 nghìn tỷ đồng; 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 174 triệu USD.
Hiện nay toàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người lao động và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Hiện các dự án đầu tư đang hoạt động tạo việc làm cho gần 40.000 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm nộp ngân sách khoảng 320 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10 vừa qua), đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định: Ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các luật khác có liên quan và các ưu đãi theo điều ước quốc tế, các hợp đồng thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, các dự án đầu tư vào Lạng Sơn còn được ưu đãi và hưởng mức hỗ trợ về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, ưu đãi về thuê đất và giá thuê đất, cung cấp thông tin, tư vấn đầu tư, thủ tục hành chính…
Giai đoạn 2016 – 2020, Lạng Sơn phấn đấu huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt từ 64 đến 66 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng từ 82% đến 84% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Lạng Sơn đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù của khu kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Lạng Sơn cũng tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch cho các dự án.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()