Dấu ấn Thể thao Việt Nam 2019
Quyết định việc tổ chức SEA Games 31/Para Games 11; những thành tích vang dội đạt được trên đấu trường quốc tế… đã tạo nên dấu ấn nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm 2019.
Đoàn TTVN diễu hành trong lễ khai mạc SEA Games 30 |
Thủ tướng quyết định tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11
Ngày 13/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1616/QĐ-TTg về việc tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Việt Nam vào năm 2021.
Đây là chỉ đạo mang tính chiến lược để ngành TDTT, các địa phương liên quan chủ động chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, con người nhằm tổ chức thành công kỳ đại hội này.
SEA Games 31 dự kiến sẽ có 36 môn thi đấu, trong đó, số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic, ASIAD chiếm khoảng 2/3.
Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá nam giành Huy chương Vàng SEA Games |
Bóng đá thành công vang dội
Năm 2019, bóng đá Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công ở cả cấp độ đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ.
Điều thú vị nhất là trong năm 2019, hai đội tuyển bóng đá quốc gia giành được 3 chức vô địch.
Cụ thể, Đội tuyển nữ Việt Nam giành được 2 chức vô địch, gồm vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2019 và Huy chương Vàng SEA Games 30. Chức vô địch thứ 3 là tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên mà Đội tuyển U22 giành được tại SEA Games 30.
Ngoài ra, tại Asian Cup 2019, Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào đến tứ kết (vòng 8 đội). Bên cạnh đó, các đội tuyển U23, U19 và Đội tuyển Futsal đã giành quyền dự vòng chung kết châu Á 2020.
Ở cấp độ câu lạc bộ, Hà Nội FC là câu lạc bộ thành công nhất. Trong năm, Hà Nội FC giành chức vô địch quốc gia (V.League), lần đầu tiên giành Cúp Quốc gia và vào đến trận chung kết liên khu vực thứ 3 (Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á) của AFC Cup 2019.
Lê Tú Chinh (ở giữa) bảo vệ thành công Huy chương Vàng trên đường chạy cự ly 100 m khi về đích trước đối thủ Philippines đúng 1/100 giây (11 giây 54/11 giây 55). |
Điền kinh tiếp tục khẳng định vị thế
Tại SEA Games 30, với việc giành được 16 Huy chương Vàng (chỉ tiêu 11), điền kinh Việt Nam xếp thứ nhất Đại hội (Thái Lan xếp thứ 2 với 12 Huy chương Vàng, Philippines thứ 3 với 9 Huy chương Vàng) và góp sức quyết định cho vị trí thứ 2 toàn đoàn của Thể thao Việt Nam.
Điều đáng mừng nhất là dù phải cạnh tranh với Thái Lan và chủ nhà Philippines nhưng các VĐV Việt Nam vẫn giành được thành tích ấn tượng, bảo vệ thành công “ngôi vô địch” từ SEA Games 29.
Đặc biệt, tại SEA Games 30, điền kinh Việt Nam ghi nhận nỗ lực vượt bậc của các VĐV khi có người giành chiến thắng chỉ hơn đối thủ 1% giây hay có VĐV chỉ luyện tập 2 tháng nhưng giành được thành tích cao nhất.
Đó là VĐV Lê Tú Chinh (TPHCM)-người xuất sắc giành Huy chương Vàng nội dung chạy 100 m khi cán đích trước đối thủ nhập tịch của Philippines đúng 1% giây (11 giây 54/11 giây 55). Còn VĐV Phạm Thị Thu Trang (Hà Nội), người lần đầu dự SEA Games, lại ở “đội hình dự bị” nhưng đã vượt cả đàn chị Thanh Phúc cùng nhiều đối thủ khác và giành được Huy chương Vàng nội dung đi bộ 10.000 m.
Trần Hưng Nguyên (16 tuổi) giành 2 Huy chương Vàng ngay trong lần đầu tiên dự SEA Games. |
Xuất hiện “kình ngư” mới
Trên đường đua xanh SEA Games 30, các VĐV Việt Nam vẫn duy trì được vị trí thứ 2, chỉ sau Singapore khi giành được 10 Huy chương Vàng (đạt chỉ tiêu).
Với Ánh Viên, dù lần này chỉ giành được 6 Huy chương Vàng (chỉ tiêu 8) nhưng bù lại, nữ “kình ngư” số 1 Việt Nam được Ban Tổ chức SEA Games 30 tôn vinh là “Vận động viên Xuất sắc nhất”.
Cùng với Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên đường bơi. Tại SEA Games 30, thành tích nổi bật nhất của Huy Hoàng là phá kỷ lục SEA Games của chính mình ở cự ly 1.500 m khi về đích hết 14 phút 58 giây 14, đồng thời đạt chuẩn A Olympic…
Một điều đáng mừng khác là Thể thao Việt Nam đã tìm được nam “kình ngư”mới bên cạnh Nguyễn Huy Hoàng.
Đó là sự xuất hiện của tay bơi “mới toanh” Trần Hưng Nguyên năm nay 16 tuổi. Lần đầu tiên dự SEA Games nhưng VĐV người Quảng Bình này đã giành 2 Huy chương Vàng nội dung 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp, đồng thời phá kỷ lục SEA Games nội dung 400 m hỗn hợp, vốn là kỷ lục của Nguyễn Hữu Kim Sơn.
Như vậy có thể thấy lực lượng của đội tuyển bơi quốc gia đã có sự kế cận hoàn hảo.
Lần đầu tiên, Đội tuyển bóng rổ 3×3 giành Huy chương Đồng SEA Games. Sau đó, Đội tuyển bóng rố 5×5 cũng giành Huy chương Đồng đầu tiên. |
Bóng rổ, quần vợt ghi điểm
Ngày 2/12, một ngày không thể quên với bóng rổ Việt Nam tại SEA Games: Ở nội dung 3×3, Đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã thắng đội tuyển Thái Lan và giành Huy chương Đồng. Đây là tấm huy chương lịch sử của bóng rổ Việt Nam tại SEA Games vì trước đó, Thể thao Việt Nam chưa từng giành huy chương ở đấu trường khu vực.
Sau đó, ngày 10/12, trong trận tranh Huy chương Đồng bóng rổ nội dung 5×5, Đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã thắng đội Indonesia.
Dù chưa đạt được thứ hạng cao hơn nhưng đây là tiếng nói khởi đầu mạnh mẽ của bóng rổ Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà bóng rổ Philippines, Indonesia, Thái Lan “thống trị”.
Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, trận chung kết quần vợt đơn nam là “chuyện nội bộ của Việt Nam”. Kết quả, Lý Hoàng Nam (bên phải) giành Huy chương Vàng sau khi thắng Daniel Cao Nguyễn. |
Ngày 6/12 cũng là một ngày lịch sử với quần vợt Việt Nam tại SEA Games 30 khi cả 2 VĐV gặp nhau trong trận chung kết đơn nam đều là người Việt Nam: Lý Hoàng Nam và Daniel Cao Nguyễn.
Chung cuộc, Lý Hoàng Nam giành chiến thắng, đoạt Huy chương Vàng. Đây là lần đầu tiên quần vợt Việt Nam giành được cả 2 vị trí cao nhất tại 1 kỳ SEA Games.
SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2021. |
Những kết quả đạt được trong năm 2019, nhất là thành tích ấn tượng tại SEA Games 30 là sự chuẩn bị hiệu quả nhất cho các sự kiện thể thao lớn trong năm 2020, trong đó, đáng chú ý nhất là Olympic Tokyo và sau đó là SEA Games 31… của Thể thao Việt Nam.
Ý kiến ()