Dấu ấn thành viên tích cực đậm nét
Là thành viên chủ động và tích cực, Việt Nam có nhiều đóng góp ngày càng thực chất đối với các hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ). Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần đề cao vai trò LHQ và chủ nghĩa đa phương, thể hiện trách nhiệm với an ninh, hòa bình và phát triển của thế giới.
Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977 đến nay, hợp tác Việt Nam – LHQ đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; giúp Việt Nam làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác và bạn bè quốc tế. Việt Nam luôn được nhắc tới là thành viên sẵn sàng chủ động tham gia nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người.
Việt Nam tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân năm 2018 và là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước. Việt Nam đã cử 243 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các
Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ; triển khai ba lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục. Trong lần thứ hai tham gia cơ quan quan trọng nhất của LHQ, Việt Nam đã có những đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên Hội đồng. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã tổ chức thành công các sự kiện điểm nhấn, như Phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ, Phiên họp về quan hệ hợp tác ASEAN và LHQ, cuộc thảo luận đầu tiên trong lịch sử tại Hội đồng Bảo an.
Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, là quốc gia tích cực thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Việt Nam và LHQ đang tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017 – 2021 trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ. Việt Nam cũng đang phối hợp với Văn phòng Điều Phối viên LHQ, các quỹ và chương trình LHQ xây dựng Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam – LHQ giai đoạn 2022 – 2026, các chương trình quốc gia về hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) giai đoạn 2022 – 2026.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam chủ động phối hợp tốt với LHQ. Đề xuất của Việt Nam về Nghị quyết LHQ lấy ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh đã được Đại hội đồng LHQ thông qua, với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới WHO, 500.000 USD cho Chương trình COVAX. Đáng chú ý, Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân Covid-19 là nhân viên LHQ, theo Cơ chế Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của LHQ (MEDEVAC) và tiến tới thành lập Trung tâm MEDEVAC tại Việt Nam. LHQ đã hỗ trợ tích cực và đưa ra nhiều khuyến nghị giúp Việt Nam chống dịch.
Trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 75 năm phát triển, vì mục tiêu hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc, LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Với định hướng chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, Việt Nam xác định việc thúc đẩy quan hệ với LHQ là một trong những trọng tâm của đối ngoại đa phương, tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần nâng tầm vị thế đất nước ■
Ý kiến ()