Dấu ấn thành công của chương trình SEQAP
Giờ học của học sinh lớp 1 mô hình học cả ngày tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lạng Sơn |
Phổ biến mô hình học 2 buổi/ngày
Chương trình SEQAP ban đầu chỉ áp dụng tại 9 trường tiểu học với 35 điểm trường vùng khó khăn, có 2.236 học sinh tham gia. Đến năm học 2015-2016 đã có 40 trường thuộc 7 huyện với 139 điểm trường – 9.821 học sinh tham gia, trong đó có 99 điểm trường lẻ. Trong số này có 3 trường thực hiện phương án T30 (30 tiết/tuần) và 37 trường thực hiện phương án T35 (35 tiết/tuần). Điều này có được là do có sự đầu tư cho mục tiêu học cả ngày (FDS) từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương tăng thêm để xây dựng thêm phòng học, nhà vệ sinh, nhà đa năng; tổ chức ăn trưa trong các ngày học cả ngày cho học sinh.
Từ SEQAP, các trường học đã thực hiện lộ trình FDS theo đúng kế hoạch đề ra. Kết thúc năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã có 270/270 trường có lớp tiểu học tổ chức dạy học cả ngày với tổng số 50.696 học sinh học theo phương án T35, đạt tỷ lệ 86,6%; số học sinh còn lại học theo phương án T30.
Học cả ngày, trọng tâm sư phạm cũng đã được cải thiện, đó là việc lập kế hoạch dạy và tổ chức thực hiện dạy học cả ngày trong các trường tiểu học. Với các tài liệu căn bản, cấp tiểu học đã thực hiện dạy cả ngày theo hướng không tăng thêm số giờ các môn học chính khóa, mà tăng cường đảm bảo chất lượng 2 môn cơ bản là tiếng Việt và toán. Bên cạnh việc củng cố kiến thức, kỹ năng 2 môn này, chương trình SEQAP hướng dẫn tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, hướng dẫn tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động âm nhạc, hoạt động giáo dục mỹ thuật, hoạt động thể chất, tổ chức câu lạc bộ học sinh và đặc biệt là thực hiện phương pháp giảng dạy: “Bàn tay nặn bột”.
Cô Dương Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học- Sở GD&ĐT cho biết: Gắn với chương trình SEQAP, phương pháp “Bàn tay nặn bột” là phương pháp dạy học tiên tiến, vì nó không cung cấp cho học sinh những kiến thức có sẵn, mà chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát hay nghiên cứu. Ở cấp tiểu học, phương pháp dạy học tích cực này luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự dẫn dắt của giáo viên.
Hiệu quả và sức lan tỏa
Kết quả năm học 2010-2011 đối với cấp tiểu học chương trình SEQAP là: tỷ lệ giỏi môn tiếng Việt 26,7%, giỏi môn toán là 39%; đến năm học 2013-2014, các tỷ lệ này là: 36,9% và 44,7%. Từ năm học 2014-2015, có 99,8% học sinh đạt yêu cầu về phẩm chất và 98,3% đạt yêu cầu về năng lực. Rõ ràng mô hình đảm bảo chất lượng trường học đã tạo ra bước đột phá về chất lượng giáo dục của cấp tiểu học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng ở các cấp học cao hơn.
Chương trình SEQAP tạo hiệu ứng xã hội to lớn về nhiều mặt. Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng các em phải lao động, phụ giúp gia đình là khá phổ biến như: chăn trâu bò, lấy củi, làm nương, nấu cơm, cõng em…Nên ngoài việc không có thời gian cho vui chơi, nguy cơ rất lớn là bị bóc lột sức lao động ngay từ thủa nhỏ. Vùng cao, vùng khó khăn, các em không có chỗ vui chơi, không được tổ chức hướng dẫn vui chơi, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện, thậm chí có nguy cơ bị xâm hại. Chương trình SEQAP đã mở lối trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em một cách toàn diện.
Mặt khác, vùng cao, vùng khó khăn, con đường đi học của học sinh rất gian nan vất vả. Nếu cứ để các em ngày 4 lần đi và về (học 2 buổi/ngày) sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng học sinh, nhất là mùa đông lạnh giá, mùa hè bão lũ. Học cả ngày không phải chỉ là học, mà kế hoạch thời gian vui chơi, hoạt động tập thể sẽ nhiều lên và các em được cung cấp những kỹ năng sống cần thiết theo định hướng.
Năm 2016, chương trình SEQAP kết thúc và hiệu quả của nó đã được khẳng định. Khái niệm học cả ngày đã “mặc định” trong tư tưởng và thời gian của người dân với lịch “sáng đưa, chiều đón”. Suất hỗ trợ ăn trưa ít ỏi của chương trình đã được nhân lên bằng sức mạnh của người dân đóng góp cho trẻ được ăn trưa, nghỉ trưa tại trường. Chỉ mới 5 năm tồn tại, SEQAP đã làm thay đổi cả nếp nghĩ, cách bố trí thời gian của người dân; phương pháp “bàn tay nặn bột” từ SEQAP đã trở thành một cuộc cách mạng trong giảng dạy mà bắt đầu từ cấp tiểu học.
Ý kiến ()