Dấu ấn sản phẩm OCOP trên thị trường quốc tế
Sau sáu năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại những kết quả tích cực. Bức tranh nông nghiệp Việt Nam ngày càng phong phú với những con số và mặt hàng xuất khẩu ấn tượng.

Các sản phẩm OCOP của Việt Nam có mặt ở nhiều nước trên thế giới, giúp người dân nâng cao thu nhập và quảng bá hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn
Ở làng nghề nước mắm hơn 200 năm tuổi Hoàng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nước mắm Lê Gia là một thương hiệu trẻ với tám năm gia nhập thị trường nước chấm. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và sự sáng tạo trên những nền tảng kinh nghiệm của làng nghề truyền thống, thương hiệu mắm Lê Gia đã trở thành cái tên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, mắm Lê Gia có mặt tại hầu hết các siêu thị hệ thống lớn trên toàn quốc, đã xuất khẩu đến thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Singapore, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc...
Đối với các sản phẩm OCOP 5 sao, đã có 48/79 sản phẩm OCOP 5 sao (chiếm 60,7%) xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và TMDV Lê Gia cho biết, thời gian đầu, sản phẩm mắm của công ty đăng ký thi chấm sản phẩm OCOP 5 sao nhưng không đạt. Lê Gia đã quyết tâm cố gắng nhiều hơn để có thể đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Bởi OCOP 5 sao quốc gia không chỉ là một danh hiệu, mà còn là biểu tượng cho những giá trị tốt đẹp của một sản phẩm gắn liền sinh kế của cộng đồng. Sứ mệnh của Lê Gia là lan tỏa giá trị của một thành tố thúc đẩy chuỗi giá trị của ngư dân, diêm dân, những người lao động tại làng chài và mang văn hóa ẩm thực của Việt Nam ra thế giới.
Tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), thương hiệu gốm sứ Quang Vinh cũng đã ghi dấu ấn tinh hoa của nghề truyền thống.
Theo Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh, nghề gốm sứ là nghề "cha truyền con nối" và việc giữ gìn sự tinh hoa được đúc kết qua bao đời của các thế hệ cha ông chính là sứ mệnh của gốm sứ Quang Vinh. Để bắt kịp xu thế thời đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hợp lý hóa chi phí sản xuất… đòi hỏi Quang Vinh phải xây dựng thành công chiến lược kinh doanh bài bản. Đầu tiên, các thành viên trong gia đình gốm sứ Quang Vinh được đi học tập tại nước ngoài và tập trung nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm có tính chất kỹ thuật, mỹ thuật cao. Đồng thời, áp dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, Quang Vinh có 95% số sản phẩm xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới, trong đó, dòng sản phẩm gốm siêu mỏng, siêu nhẹ là một trong những dòng sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 5 sao.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện chưa có thống kê cụ thể về hiện trạng tất cả các sản phẩm OCOP xuất khẩu, tuy nhiên, đối với các sản phẩm OCOP 5 sao, đã có 48/79 sản phẩm OCOP 5 sao (chiếm 60,7%) xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, các mặt hàng như: Miến dong, măng nấu ngay, nước mắm, rong nho tách nước, cà-phê, mắc-ca, hạt điều, sầu riêng sấy, hạt sen sấy... đều mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế nông thôn.
Tiềm năng và cơ hội phát triển
Việc các sản phẩm OCOP 5 sao tham gia vào thị trường xuất khẩu không chỉ thể hiện sự trưởng thành của các chủ thể về mặt năng lực và quy mô sản xuất, mà còn cho thấy các chủ thể đã từng bước hoàn thiện, thích ứng với các yêu cầu về điều kiện và tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP còn góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, bản sắc Việt Nam.
Theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, Chương trình OCOP đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu địa phương ổn định. Hiện tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu ổn định theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP là 48,3%, tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 55,6%. Qua đó, tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển kinh tế, nhất là sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng, đa dạng về điều kiện sản xuất, văn hóa để phát triển các sản phẩm đặc sản, mang giá trị vùng, miền. Kết quả khảo sát và thử nghiệm của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương trong thời gian vừa qua cho thấy nhu cầu của thị t rường quốc tế đối với sản phẩm OCOP là rất lớn và nhiều tiềm năng, nhất là từ cộng đồng người Việt Nam ở các nước châu Âu, Mỹ...
Sau gần 2 năm tiến hành các hoạt động thử nghiệm về thị trường, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng đã xác định rõ lợi thế, cơ hội để các sản phẩm OCOP từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đến nay, số lượng sản phẩm OCOP Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao đủ tự tin để tham gia sâu hơn, mạnh mẽ hơn vào thị trường xuất khẩu, trở thành những đại sứ văn hóa, truyền tải và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế trong thời gian tới là rất lớn.
Với sản phẩm mắm Lê Gia, hiện công ty duy trì năng lực sản xuất ổn định với diện tích nhà xưởng hơn 13.000m2. Ông Lê Anh cho biết, đối với thị trường ngoài nước, công ty đã có mã số xuất khẩu với đầy đủ điều kiện để xuất vào EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và có thể xuất chính ngạch thay vì ủy thác.
Với gốm sứ Quang Vinh, việc xây dựng thương hiệu uy tín đã thu hút đối tác tìm đến hợp tác mở rộng sản xuất. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của công ty phù hợp với thị hiếu thị trường và tình cảm của người tiêu dùng. Việc tạo được sự khác biệt về văn hóa và bản sắc địa phương trong mỗi sản phẩm đã giúp Quang Vinh mở rộng ra thị trường thế giới.
Để phát triển bền vững OCOP, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại.
Các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp cũng đề xuất tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với sản phẩm OCOP kể cả khi đã được đánh giá và công nhận; kiên quyết thu hồi sản phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, uy tín và thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

Ý kiến ()