Dấu ấn phong trào hiến đất làm đường GTNT
LSO-Trong những năm qua, người dân các địa phương trong toàn tỉnh luôn nhiệt tình, tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
LSO-Trong những năm qua, người dân các địa phương trong toàn tỉnh luôn nhiệt tình, tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn hăng hái thi đua chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới (NTM), phong trào làm đường GTNT tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến phong trào hiến đất làm đường giao GTNT.
Nhân dân xã Sơn Hà (Hữu Lũng) bê tông hóa đường GTNT |
Sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời với thôn Hoàng Thủy, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, từ thủa nhỏ, ông Lê Văn Pịa đã chứng kiến và trải qua những khó khăn, vất vả vì đường giao thông chỉ là lối mòn cheo leo sườn núi. Cuộc sống của người dân tách biệt với bên ngoài, tự cung, tự cấp rất cơ cực. Nhiều học sinh, trong đó có ông đã phải bỏ dở việc đèn sách. Vì vậy, năm 2010, khi nhà nước quan tâm đầu tư con đường dài 3km từ đường Song Giáp vào đến trung tâm thôn, đi qua đồi cây của gia đình, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ông đã tự nguyện hiến 2.700m2 đất có rừng hồi và cây ăn quả mà không cần hỗ trợ kinh phí đền bù. Không những vậy, gia đình ông còn tiên phong trong giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Trong khi tấc đất được ví như tấc vàng thì nghĩa cử cao đẹp của ông Pịa đã khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện hiến đất làm đường GTNT trong toàn thôn. 20 gia đình đã noi gương ông Pịa hiến từ vài trăm đến trên 1000m2 đất. Năm 2011, con đường hoàn thiện, thôn Hoàng Thủy như được thay da, đổi thịt, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Không chỉ có thôn Hoàng Thủy, người dân xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng đã hiến gần 3.000m2 đất với hàng nghìn ngày công lao động để mở rộng đường. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều con đường được khơi nguồn từ sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của nhân dân đã được mở rộng. Ông Hoàng Mỹ Làn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tính đến nay, 100% số thôn đều đã mở rộng từ lối mòn thành đường rộng từ 2-3m, 9/11 thôn ô tô có thể đi đến trung tâm thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hoá của người dân. Về thôn Tam Hợp, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, nhiều người kể cho chúng tôi nghe về tấm gương cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh tiên phong hiến đất xây dựng công trình công cộng, từ đó đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến hết năm 2012, toàn thôn đã có 39 hộ (chiếm trên 40% số hộ trong toàn thôn) tự nguyện hiến đất làm đường GTNT với tổng số đất hiến là 1.900 m2 đất. Giờ đây những tuyến đường nội thôn nhỏ hẹp, men theo bờ ruộng đã được thay bằng con đường rộng. Nhờ đó, diện mạo của thôn đã có nhiều khởi sắc.
Đó chỉ là những ví dụ rất điển hình trong phong trào hiến đất làm đường. Có thể nói: chưa bao giờ phong trào hiến đất làm đường GTNT lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay. Trong 3 năm qua, với sự vào cuộc tích của các cấp, các ngành, một số nơi đã có cách làm linh hoạt, sáng tạo, phát huy tinh thần tự nguyện, chung sức xây dựng NTM. Nhiều địa phương khá thành công trong việc phát huy nội lực, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, đặc biệt là hiến đất xây dựng công trình công cộng. Phong trào hiến đất làm đường phát triển sâu rộng đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành sức mạnh trong xây dựng NTM. Qua đó, đã khơi dậy và phát huy tốt nguồn lực trong nhân dân, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã được phát huy. Người dân phấn khởi, tin tưởng, từ đó hăng hái tham gia hiến đất làm đường, xây dựng công trình phục vụ xây dựng NTM. 3 năm qua, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã hiến được trên 450.000m2 đất để làm đường GTNT. Tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn nông thôn được 450 tỷ đồng, hỗ trợ trên 83.000 tấn xi măng, huy động 1,1 triệu ngày công lao động, nhân dân khai thác cát sỏi tại chỗ được trên 138.000m2. Kết quả, đã mở thêm được 205 km đường GTNT, xây dựng được 724km mặt đường bê tông xi măng. Tính đến nay, đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa trên địa bàn tỉnh đã đạt 91,2%, đường ô tô đến thôn đạt 91,4%, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT đạt 31,55%. Dự kiến đến hết năm 2013 có 11 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Kết quả của phong trào hiến đất làm đường sẽ là tiền đề quan trọng để Lạng Sơn tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng NTM.
MINH THẢO
Ý kiến ()