Dấu ấn mùa Ô-lim-pích quốc tế
Lãnh đạo Bộ GD và ÐT tặng hoa, chúc mừng thành tích của Ðội tuyển quốc gia Việt Nam tại Ô-lim-pích Tin học quốc tế năm 2019.
Tuy có chút mệt mỏi sau chuyến bay dài từ A-déc-bai-dan về Hà Nội, nhưng em Trịnh Hữu Gia Phúc, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) vẫn hồ hởi cho biết, em rất hạnh phúc vì đã đoạt Huy chương vàng Ô-lim-pích Tin học quốc tế năm 2019, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước. Ðội tuyển quốc gia Việt Nam dự Ô-lim-pích Tin học quốc tế có bốn thí sinh thì cả bốn em đều đoạt huy chương, gồm: hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc và một Huy chương đồng. Chia sẻ về bí quyết học tập, Phúc khiêm tốn cho biết: Em chỉ học trên lớp là chính và không bỏ bất cứ bài nào. Em luôn có ý thức tự học, thường xuyên tìm kiếm tài liệu trên mạng, cho nên bố mẹ không phải nhắc nhở nhiều. Cô giáo Phạm Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Phúc cho biết, Phúc là học sinh có năng lực đặc biệt, ham học, trong đó nổi trội với môn Tin học. Em có khả năng tiếp thu bài học trên lớp rất nhanh và khả năng tự học qua các tài liệu tìm được trên mạng. Trong quá trình học tập tại Trường THPT chuyên Lam Sơn, em liên tục đoạt các giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Tại kỳ Ô-lim-pích Tin học châu Á năm 2018, Phúc xuất sắc đoạt huy chương bạc. Với năng lực tiếng Anh tốt, em thường xuyên sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu tài liệu, phục vụ cho môn Tin học.
Thành tích của đội tuyển quốc gia dự Ô-lim-pích Tin học quốc tế năm 2019 đã khép lại một mùa Ô-lim-pích quốc tế thành công, ở các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Toán học. Có 38 thí sinh tham dự và đều đoạt giải gồm: chín Huy chương vàng, 19 Huy chương bạc, chín Huy chương đồng, một bằng khen. Kết quả này tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục và vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo ( GD và ÐT) Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, mùa Ô-lim-pích quốc tế năm nay có ba ấn tượng. Thứ nhất, đội tuyển quốc gia dự Ô-lim-pích Vật lý quốc tế có một nữ sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đoạt Huy chương vàng, đồng thời đoạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Ô-lim-pích. Thứ hai, Việt Nam lần đầu có thí sinh (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đạt điểm tuyệt đối trong phần thi thực hành tại Ô-lim-pích Hóa học quốc tế. Thí sinh này đoạt Huy chương vàng, xếp thứ tư trong tổng số 300 thí sinh của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Thứ ba, số lượng các tỉnh có học sinh đoạt giải Ô-lim-pích quốc tế năm nay tương đối lớn, mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố mà trước đây không có học sinh dự thi. Ðáng chú ý, năm nay có học sinh của tỉnh miền núi phía bắc như Yên Bái đoạt Huy chương bạc trong kỳ Ô-lim-pích Hóa học quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ GD và ÐT, việc có thêm nhiều địa phương có học sinh đoạt giải Ô-lim-pích quốc tế là do phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi được các địa phương quan tâm, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã chọn được học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố. Kết quả của các kỳ Ô-lim-pích quốc tế cho thấy hướng đi đúng của ngành giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi; khẳng định những nỗ lực, cố gắng của các nhà trường, các em học sinh, các thầy giáo, cô giáo trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi thời gian qua. Thí dụ, tại Thanh Hóa, công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD và ÐT Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Những năm qua, các giáo viên giỏi tại các trường THPT được mời về Trường THPT chuyên Lam Sơn làm việc. Các thầy giáo, cô giáo luôn dày công nghiên cứu, đổi mới phương pháp giáo dục, thường xuyên mời các giảng viên đại học, giáo sư đầu ngành về trường cùng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020 theo Quyết định 959-QÐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ được các tỉnh, thành phố chú trọng đầu tư, xây dựng, phát triển. Sự quan tâm, khen thưởng kịp thời của lãnh đạo địa phương đối với những học sinh xuất sắc, học sinh đoạt giải Ô-lim-pích khu vực, quốc tế đã tạo ra động lực, cú huých để các học sinh khác noi theo, tạo phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi.
Để phát hiện và bồi dưỡng thêm những học sinh xuất sắc, có năng khiếu để dự Ô-lim-pích khu vực, quốc tế trong thời gian tới, Bộ GD và ÐT cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện Ðề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020, xây dựng các mô hình trường học chất lượng cao, các phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng tới một nền giáo dục chất lượng cao về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn…
Ý kiến ()