Dấu ấn một nhiệm kỳ
LSO-Trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XIII đã có nhiều nỗ lực, đổi mới phương thức hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu dân cử. Với tinh thần, trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, đưa nghị quyết vào cuộc sống, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đến với Quốc hội.
Bà Trần Thị Hoa Sinh trao đổi với đại biểu ngành công an bên lề hội nghị lấy ý kiến vào các dự án luật |
Ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Đoàn ĐBQH đã quan tâm xây dựng chương trình hoạt động cụ thể và tổ chức hoạt động, liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các cấp chính quyền ở địa phương. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận tham mưu, giúp việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể cũng như tham gia hoạt động chất vấn tại kỳ họp, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần cùng Quốc hội thực hiện thành công các kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với cử tri cả nước. Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ theo quy định, có nhiều đóng góp tích cực trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, luôn có nhiều cố gắng để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
Hoạt động xây dựng luật được Đoàn triển khai tích cực, bài bản. Đoàn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, luật gia, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đóng góp ý kiến trực tiếp vào các dự án luật hoặc thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân, các ngành, các cấp đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Bộ Luật Hình sự sửa đổi… Cách tổ chức như vậy đã tập hợp được nhiều ý kiến của những người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn góp ý cho các dự án luật với nhiều nội dung có cơ sở khoa học và mang tính thực tiễn cao.
Trong nhiệm kỳ, Đoàn đã tổng hợp báo cáo các ý kiến đóng góp vào 88 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại các kỳ họp. Đồng thời có 247 lượt phát biểu trong các phiên thảo luận tại hội trường, thảo luận tại tổ vào các dự án luật, nghị quyết được trình tại các kỳ họp Quốc hội.
Đối với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại các kỳ họp, Đoàn và các ĐBQH đã tích cực giám sát bằng hình thức xem xét báo cáo công tác của các cơ quan và cá nhân do Quốc hội bầu theo đúng quy định của pháp luật. Đoàn cũng đã thực hiện giám sát thông qua hoạt động chất vấn tại hội trường; thông qua các phiên chất vấn trực tuyến, giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, tham gia giám sát chuyên đề trước và sau kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 12 ý kiến chất vấn trực tiếp và chất vấn bằng văn bản đối với các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về việc thực hiện các chính sách dân tộc; tinh giản biên chế và chính sách giảm nghèo, việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tình trạng lao động qua biên giới; chương trình hỗ trợ áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn miền núi… Thông qua hoạt động chất vấn, các ĐBQH tỉnh đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.
Thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, Đoàn đã chủ trì, tổ chức 13 cuộc giám sát tại 39 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 10 cuộc giám sát chuyên đề. Qua giám sát, Đoàn đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, đã đưa ra 114 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, 76 kiến nghị với UBND tỉnh. Nhiều kiến nghị của Đoàn đã được các cơ quan, các ngành, các cấp tiếp thu, xem xét giải quyết.
Tại mỗi kỳ họp, các ĐBQH tỉnh đã tích cực cùng với ĐBQH cả nước tham gia đóng góp và biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở cho việc quản lý, điều hành kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Đoàn ĐBQH cũng luôn chú trọng công tác tiếp xúc cử tri. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 204 cuộc tiếp xúc cử tri tại các xã, cụm xã, phường, thị trấn, thành phố, thôn bản, tiếp xúc chuyên đề tại một số cơ quan, đơn vị. Qua đó đã có 15.443 lượt cử tri tham dự với 1.665 lượt ý kiến, kiến nghị; 448 ý kiến, kiến nghị chính đáng được gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương xem xét, giải quyết. Các kiến nghị của cử tri đều được phần lớn các bộ, ngành, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét giải quyết và trả lời bằng văn bản thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Qua công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn nắm được tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn và tiến hành giám sát, khảo sát một số vụ việc cụ thể. Qua đó, Đoàn đã có nhiều kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ninh trật tự trên địa bàn.
Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước. Các ĐBQH không ngừng nỗ lực, cố gắng, nâng cao chất lượng hoạt động của người đại biểu dân cử, góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi ĐBQH ngày càng thiết thực, hiệu quả, củng cố lòng tin với cử tri.
TRẦN THỊ HOA SINH (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)
Ý kiến ()