Dấu ấn mới của Samsung tại Việt Nam
Được khởi công từ tháng 3/2020, Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung tại Việt Nam.
“Đếm ngược” đến ngày hoàn công
Còn khoảng 1 tháng nữa để Samsung hoàn thành lời hứa với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi Trung tâm R&D mới của tập đoàn này đang trên đường về đích đúng tiến độ xây dựng. Cho đến thời hiện tại, công trình đã đạt 97% khối lượng công việc và đã tiến hành các thủ tục nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy và nghiệm thu công trình của bộ xây dựng.
Trước đó, các mốc xây dựng quan trọng của Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới đều được Samsung nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ, “thần tốc” như tất cả các dự án mà Samsung đã đầu tư tại Việt Nam.
Tháng 10/2020, công trình hoàn thiện thi công phần móng. Tháng 4/2021, công trình đạt 30% kế hoạch và bắt đầu tiến hành thi công kết cấu phần nổi. Tháng 9/2021, 50% khối lượng công việc được hoàn thành và tháng 5/2022, 70% khối lượng công việc được hoàn thành.
Đáng nói, thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng Trung tâm R&D mới của Samsung diễn ra đúng vào lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Trong suốt hơn 2/3 tổng thời gian xây dựng công trình trong điều kiện dịch bệnh, Samsung đã bảo đảm vừa tuân thủ các quy định phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt, vừa bảo đảm an toàn cho số lượng nhân lực tham gia xây dựng mỗi ngày khoảng 1.300 người. Cho đến nay, trong quá trình xây dựng, công trình đã không phát sinh bất kỳ một tai nạn lao động nào.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2.
Bên cạnh đó, ngoài cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của Samsung Việt Nam còn mang đến một môi trường làm việc sáng tạo và thân thiện với các tiện ích như phòng tập thể thao, phòng sinh hoạt câu lạc bộ, nhà ăn nội bộ và sân vườn trên cao…
“Tôi rất háo hức và mong chờ việc chuyển tới làm việc tại Trung tâm R&D mới. Tôi tin rằng khi sang tòa nhà mới, với cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ hơn thì năng suất làm việc của tôi cũng sẽ được nâng cao. Tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa đóng góp cho sự phát triển của bộ phận của mình nói riêng và của Samsung nói chung”, chị Nguyễn Thị Thủy – nhân viên bộ phận Phân tích và kiểm thử phần mềm chia sẻ.
Còn với anh Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng bộ phận Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam, người đã gắn bó với Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam từ những ngày đầu thành lập thì lần đầu tiên chuyển văn phòng từ Bắc Ninh lên Hà Nội là sự mừng vui và hạnh phúc, còn cảm giác lần này là sự hãnh diện và tự hào.
“Là một nhân viên Samsung- nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, tôi rất tự hào khi công ty mình sẽ vận hành Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới với trang thiết bị hiện đại bậc nhất. Tôi tin rằng Samsung R&D Việt Nam sẽ là nơi làm việc lý tưởng, thu hút nhân tài khắp đất nước. Cá nhân tôi cũng rất mong muốn được làm việc với những bạn trẻ đầy tài năng đó”, anh Thịnh cho biết.
Mảnh ghép quan trọng hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung tại Việt Nam
Samsung, cho đến thời điểm này, vẫn luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TPHCM, cùng với 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển đang được xây dựng mới và chuẩn bị hoàn thành.
Liên tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam, hiện tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ vượt quá 20 tỷ USD vào năm 2022, các nhà máy của Samsung trong thời gian qua đã đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam, đặc biệt trong thúc đẩy xuất khẩu.
Năm 2021 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Samsung Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu so với năm 2020. Cụ thể, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.
Samsung đã thực sự biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Và bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung sẽ trở nên hoàn thiện hơn vào cuối năm 2022 khi “mảnh ghép” R&D quan trọng đang “đếm ngược” từng ngày để hoàn thành.
Tuy nhiên, trên thực tế, mảnh ghép R&D này đã được Samsung xác định đầu tư nghiêm túc và bài bản ngay từ khi bắt đầu đầu tư lớn tại Việt Nam. Ban đầu, hoạt động R&D được thực hiện tại nhà máy Bắc Ninh, sau đó, đến năm 2012, được chuyển thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động SVMC đặt tại một trụ sở đi thuê ở Hà Nội. Và hiện nay, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, “đại bản doanh” R&D của Samsung tại Việt Nam sẽ chính thức được hoàn thành và đi vào hoạt động, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử đầu tư của Samsung tại Việt Nam.
“Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong việc quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược của Samsung trên toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung cho biết.
Với trung tâm mới này, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón dầu các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
“Trong thời gian tới, Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới sẽ trở thành trung tâm R&D (R&D Hub) quan trọng của Samsung điện tử. Đây cũng chính là nơi đảm nhiệm việc nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G… Đặc biệt, để vận hành hiệu quả trung tâm mới này thì việc thu hút nhân lực ưu tú là điều vô cùng quan trọng. Samsung sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân tài thông qua hợp tác với các trường đại học trong cả nước”, ông Choi Joo Ho cho biết thêm.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung sẽ trở nên thực sự hoàn chỉnh khi Trung tâm R&D mới được chính thức hoàn thành. Khi ấy, Samsung sẽ có những đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế xã hội Việt Nam và đã có thể trọn vẹn thực hiện lời hứa đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn đi đầu trong R&D.
Ý kiến ()