Dấu ấn mạnh mẽ trong hành trình cam go
Thế giới trông đợi những bước đột phá tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra vào tháng cuối năm 2023 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhiên liệu hóa thạch gây ra những tác động nghiêm trọng đối với môi trường. (Ảnh National Geographic) |
COP28 đã khép lại với nhiều niềm tin hy vọng, song cũng còn không ít điều tiếc nuối. Thỏa thuận mang tính lịch sử về chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” cũng như việc tăng cường các sáng kiến tài chính tạo động lực toàn cầu thúc đẩy hành động khẩn cấp trong cuộc chiến đầy cam go này. Tuy nhiên, thế giới vẫn cần tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề và để đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu vẫn là thách thức lớn.
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,50C. Các nhà khoa học cho biết, mức tăng nhiệt trên 1,50C sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược, như những trận nắng nóng chết người, lũ lụt thảm khốc và khiến các rạn san hô chết hàng loạt.
Tuy nhiên trên thực tế, lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc hơn. Theo báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu, ước tính, các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Nếu tính cả lượng khí thải từ việc sử dụng đất, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 40,9 tỷ tấn trong năm 2023.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết, lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030 để khống chế mức tăng nhiệt không quá 1,50C. Trong khi đó, Nhóm giám sát khí hậu Net Zero Tracker cảnh báo, hầu hết các quốc gia cam kết về mục tiêu phát thải ròng khí carbon bằng 0 đều chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và điều này khiến những cam kết có nguy cơ chỉ là những lời nói suông.
Hiện, có khoảng 150 quốc gia đã đưa ra cam kết chung về mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tương đương giảm 88% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mới chỉ có 13% trong số các nước này đưa ra ít nhất một cam kết cụ thể về loại bỏ dần việc sử dụng, sản xuất hoặc thăm dò than, dầu hay khí đốt.
Thỏa thuận lịch sử
COP28 được coi là cơ hội cuối cùng để các nước trên thế giới thực hiện mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Sau hai tuần đàm phán khó khăn, COP28 đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, theo đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Được mô tả là kế hoạch dựa trên khoa học, thỏa thuận này không sử dụng thuật ngữ “loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch, mà thay vào đó kêu gọi “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách thỏa đáng, có trình tự và hợp lý, tăng tốc hành động trong thập kỷ then chốt này”. Thỏa thuận cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính toàn cầu bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP28 tạo cơ hội cho các hành động và động lực trong ngắn hạn nhằm thực thi tiến trình chuyển đổi sạch, thích hợp và an toàn. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, là thông điệp mạnh mẽ gửi đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch – điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra nêu rõ: “Lần đầu trong 30 năm qua, chúng ta đạt được sự khởi đầu cho hồi kết của nhiên liệu hóa thạch”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, giờ đây toàn thế giới đã có một thỏa thuận đa phương nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm phát thải để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bà cho rằng, các nước cần hành động khẩn cấp trong thập kỷ quan trọng này và thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP28 đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch. Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nhấn mạnh, sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28 đối với thỏa thuận nêu trên là chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và ngoại giao khí hậu.
COP28 cũng đã mang lại những kết quả vượt mong đợi về các cam kết tài chính và cam kết toàn cầu hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại diện thường trực của UAE tại Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Tiến sĩ Nawal Al Hosany đánh giá cao thành công đạt được tại hội nghị, trong đó nêu bật thỏa thuận toàn cầu đã đạt được về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”. Bà hoan nghênh cam kết của hơn 123 quốc gia về tăng gấp ba lần việc áp dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, để đạt được hiệu quả bền vững, cần phải duy trì các cam kết toàn cầu liên quan đến tài chính, cùng với việc chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng giúp cung cấp thêm năng lượng tái tạo cho lưới điện tại các quốc gia đã cam kết. Các nước giàu phải dẫn đầu sự chuyển đổi năng lượng và cung cấp cho các quốc gia đang phát triển các biện pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu này.
Còn đó những tiếc nuối, thách thức
Mặc dù đạt được những thành công nêu trên, song COP28 đã không thể đi đến thỏa thuận về những quy định mới cho phép triển khai một thị trường giao dịch carbon giữa các nước và giữa các doanh nghiệp. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết tại COP21 năm 2015, các chính phủ và các công ty có thể bù đắp cho những lượng khí thải mà họ gây ra bằng cách chi tiền cho các dự án giảm khí thải ở các nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, đến nay những giao dịch như vậy vẫn chưa được thực hiện. Theo các nhà đàm phán, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và khối Mỹ Latin đã bác bỏ thỏa thuận được Mỹ và một số nước đề xuất sau hai tuần đàm phán tại COP28. Đề xuất này tập trung xây dựng các quy định chính liên quan đến việc cấp phép các dự án bù đắp trong một hệ thống tập trung do Liên hợp quốc vận hành.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội giao dịch khí thải quốc tế, Dirk Forrister, Mỹ cùng với đa số quốc gia thúc đẩy thông qua thỏa thuận cho rằng, yêu cầu những quy định nghiêm ngặt hơn sẽ là quá phiền hà với các nước đang phát triển vốn có ít phương tiện để giám sát và quản lý các dự án. Trong khi đó, EU muốn những quy định áp với các dự án bù đắp khí thải carbon phải tương đương với mức tiêu chuẩn cao mà khối 27 thành viên này đặt ra trong hệ thống giao dịch riêng hiện có.
Theo đó, hệ thống của EU không giao dịch các dự án bù đắp mà định giá khí thải carbon thông qua quá trình cấp phép cho các công ty phát thải. Việc các bên không đạt được thỏa thuận tại Dubai khiến nhóm chuyên viên sẽ phải bắt đầu đàm phán lại trong năm 2024, với hy vọng thỏa thuận liên quan sẽ được thông qua tại COP29 ở Azerbaijan vào năm 2025. Các hoạt động đàm phán vẫn được tiến hành theo hai hướng song song, một là hình thành hệ thống trung tâm (đa phương) do Liên hợp quốc vận hành và hai là hình thành hệ thống giao dịch song phương giữa các nước.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc các nước phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết, trong đó có các cam kết về tài chính dành cho các nước đang phát triển, trong bối cảnh nhiều nước hiện chìm trong nợ nần, không có dư địa tài chính và gặp khó khăn trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi hợp tác đa phương để giải quyết thách thức chung mà nhân loại đang phải đối mặt, bởi theo ông, trong thế giới rạn nứt và chia rẽ như hiện nay, COP28 có thể cho thấy rằng, chủ nghĩa đa phương vẫn là niềm hy vọng tốt nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Đối với các hành động khí hậu, ông Guterres lưu ý, cần xem xét các trách nhiệm chung, cũng như khả năng và hoàn cảnh khác nhau của các quốc gia. Các nước cần tăng vốn và cải cách mô hình kinh doanh của các ngân hàng phát triển đa phương để tăng cường hỗ trợ trực tiếp, tận dụng nhiều nguồn tài chính tư nhân hơn với chi phí hợp lý để thúc đẩy nỗ lực hành động khí hậu của các nước đang phát triển.
Mặc dù COP28 dường như đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ khi đạt được sự đồng thuận về việc tiến tới chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên việc thực thi tiến trình này là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự công bằng, hợp lý. Các bên cam kết phải có những động thái cần thiết để biến thỏa thuận thành những hành động thực tế, trong khi các nước giàu cũng cần thực hiện cam kết tài chính dành cho các nước nghèo bởi đây vừa là nguồn lực, vừa là động lực lớn để giúp thế giới thực hiện các mục tiêu tham vọng và hành động quyết liệt hơn chống biến đổi khí hậu, cứu hành tinh xanh.
Nguồn: https://nhandan.vn/dau-an-manh-me-trong-hanh-trinh-cam-go-post788921.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()