Dấu ấn mái trường THCS Hải Châu
|
Duy chỉ có cây bàng xưa, nơi mà chúng tôi thường túm ba tụm năm dưới gốc cây, cùng ngôi đền thờ Đức Thánh Trần phía đông trường là vẫn còn đó, đã đưa chúng tôi về với ký ức của thời cắp sách tới trường cách đây gần nửa thế kỷ. Ngôi trường nay vừa tròn 50 năm xây dựng và trưởng thành.
Kể từ ngày khai trường năm học đầu (1961 – 1962) với chúng tôi vẫn còn nhớ mãi. Cái buổi ban đầu “vạn sự khởi đầu nan”, với bốn lớp, 241 học sinh của Hải Châu và các xã lân cận phía nam huyện. Lứa tuổi chúng tôi, trực tiếp sống và học tập trong tiếng gầm rít của máy bay giặc Mỹ. Ngày đó với vòng ngụy trang, mũ rơm, túi thuốc, học trong nhà hầm, với giao thông hào chữ chi dọc ngang dưới vườn cây xanh. Và từ đó, chúng tôi cùng bao lớp học sinh đã ra trường. Sau ngày miền nam giải phóng, sự nghiệp đổi mới đất nước như ngọn gió lành thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình sáng tạo của nhà trường và nhất là từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, cùng phong trào xây dựng trường chuẩn, nhà trường có bước phát triển vượt bậc. Năm 1995, trường đã hoàn thành phổ cập THCS, hai lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và đã đạt trường chuẩn quốc gia. Đó chính là những thành quả lớn lao của trường và nhân dân Hải Châu giành được.
Có được thành tích đó là do nhà trường luôn duy trì sĩ số và giữ vững quy mô trường lớp, không có học sinh bỏ học; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vừa lo dạy chữ, vừa dạy nhân cách cho học sinh. Hơn 6.000 học sinh đã học dưới mái trường. Tỷ lệ tốt nghiệp qua các năm đạt 99%, hiệu quả đào tạo đạt 93%; hằng năm có 20 đến 25 em đạt học sinh giỏi cấp huyện; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thi đỗ vào THPT ngày càng cao (thường từ 75 đến 85%), cao hơn trung bình của huyện. Nhiều năm liên tục đứng vào tốp đầu trong 39 trường THCS của huyện. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường là đơn vị nổi trội về giáo dục toàn diện, trường đã có 750 học sinh lên đường nhập ngũ, trong đó 56 người đã hy sinh anh dũng, 54 người là thương binh.
Mái trường là nền móng để bao thế hệ học sinh chúng tôi học tiếp lên và trưởng thành trên mọi cương vị công tác. Toàn xã có 1.254 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, cứ sáu người dân có một cử nhân, trong đó có Giáo sư, tiến sĩ khoa học, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung, bốn Phó Giáo sư, chín tiến sĩ, 20 sĩ quan cao cấp, trong đó có Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Chuẩn Đô đốc Trần Đình Xuyên; Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp. Hải Châu hiện là xã được đánh giá có trình độ dân trí cao trong huyện.
Đội ngũ thầy cô, những người “chở đò qua sông” luôn tâm huyết với nghề. Hầu hết giáo viên tham gia hội giảng đạt giờ dạy giỏi. Từ năm học 2004 – 2005, 100% số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, có hơn 50% có trình độ đại học.
Đáng chú ý, công tác xã hội hóa giáo dục đã đi vào lòng người. Là xã chưa giàu, song do xác định được sự nghiệp “trồng người” là của toàn dân, Hải Châu đã phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động mọi công sức tiền của để xây dựng trường. Từ ba phòng học nhà cấp bốn ban đầu, nay là các dãy nhà cao tầng với 12 phòng học và các phòng chức năng khang trang, kiên cố, phương tiện dạy học đầy đủ và hiện đại cùng một khuôn viên đẹp.
Chúng tôi bồi hồi, bâng khuâng ngắm cây bàng cổ, những hàng phượng vĩ sum suê và cây đa mà Giáo sư Trần Văn Nhung thế hệ học sinh đầu tiên của trường trồng nơi sân trường đang vươn ngọn, thầm tự hào về 50 năm dựng xây chan chứa tình bạn, nghĩa thầy; đây là cái nôi để nâng cao dân trí, là địa chỉ tin cậy của lớp lớp học sinh và nhân dân Hải Châu. Hy vọng, tin tưởng về chiều hướng đi lên của trường. Chắc chắn mái trường sẽ gặt hái được những “mùa vàng”, “hai tốt” bội thu trong những năm học tới, xứng đáng với quê hương Hải Châu, Hải Hậu Anh hùng.
Ý kiến ()