1
89
5010302
29
Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 2: Bản lĩnh Đảng viên ở phái bộ - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/dau-an-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-viet-nam-can-bo-dang-vien-tien-phong-mo-duong-bai-2-ban-linh-dang-5010302.html
longform
Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 2: Bản lĩnh Đảng viên ở phái bộ

Cover

Cover

Trong những ngày đầu triển khai tới phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS), căn cứ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã bị kẻ trộm cắt dây thép gai vào lấy trộm xăng dầu. Đảng ủy bệnh viện nhận định phải có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, triệt để ngăn chặn không chỉ trộm cắp mà còn các vấn đề phức tạp khác có thể xảy ra. Nắm được tình hình, Đảng ủy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam triệu tập họp gấp và ra ngay nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, an toàn ở phái bộ.

Câu chuyện về nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, an toàn ở phái bộ chỉ là một trong những khó khăn, thử thách mà lực lượng của ta phải đối mặt và xử lý khi tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Những câu chuyện từ thực địa dưới đây không chỉ chứng minh bản lĩnh của đảng viên ở phái bộ mà còn khẳng định một điều: Ở đâu có đảng viên, ở đó mọi mặt công tác được thực hiện thông suốt và hiệu quả.

========*****========

NHỮNG NGÀY ĐẦU GIAN KHÓ

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gặp Đại tá Trần Nam Ngạn, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào một sáng đầu tháng 5. Đồng chí Trần Nam Ngạn chia sẻ: “Khi chúng tôi được triển khai tới phái bộ thì xung đột ở Nam Sudan vừa mới kết thúc. Hạ tầng cơ sở rất hạn chế, đặc biệt là thông tin liên lạc. Những chuyến đi tuần tra kéo dài vài ngày, có khi lên đến vài tuần và cả tháng, nhất là tới những vùng sâu, vùng xa. Do đó, chúng tôi không thể liên lạc thường xuyên được và nội dung cũng như thời lượng liên lạc rất là hạn chế. Tuy tôi và đồng chí Mạc Đức Trọng (nay là Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) đều được triển khai tới Phái bộ UNMISS, nhưng mỗi người lại ở một địa bàn cách nhau lên tới gần 1.000km. Vì thế, chúng tôi không thể thường xuyên gặp gỡ. Số lượng 2 đảng viên thì cũng chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ. Trước thực tế đó, chúng tôi vận dụng các phương pháp liên lạc để trao đổi thông tin cũng như tổng hợp các nhiệm vụ được giao và các nội dung báo cáo gửi về chỉ huy trong nước”.

Cover

Theo đồng chí Ngạn, trong điều kiện xa tổ chức và thực hiện nhiệm vụ ở những nơi cách xa nhau, các đồng chí thống nhất định kỳ cùng nhau quán triệt các định hướng chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy các cấp từ trong nước, cụ thể hóa bằng các kế hoạch công tác. Từ đó, các đồng chí đã thực hiện tốt nhiều mặt công tác, trong đó có công tác nghiên cứu phục vụ phát triển lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà 2 sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện rất tốt, bám sát theo các Nghị Quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và các đề án về Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Kết quả là 10 năm sau, các hoạt động từ tuyển chọn đến bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng đã đi vào nền nếp, là cơ sở để Việt Nam không chỉ tăng cường triển khai sĩ quan theo diện cá nhân mà còn tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc theo đội hình đơn vị. Cũng chính nhờ sự chủ động, linh hoạt của mỗi cá nhân đảng viên như vậy mà lãnh đạo các cấp, từ trụ sở chính của Liên hợp quốc tại New York cho đến các phái bộ mà ta trực tiếp triển khai lực lượng, đều đánh giá cao những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Video: TRUNG THÀNH

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, những quân đội nhà nghề ở phái bộ luôn làm việc rất “cứng” theo thỏa thuận với Liên hợp quốc. Họ không ra khỏi căn cứ khi không thực hiện nhiệm vụ đã ký kết trong thỏa thuận, kể cả ngày nghỉ. Từng là Bí thư Đảng ủy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, đồng chí Hoàng Kim Phụng khẳng định những kết quả vượt ngoài mong đợi của ta và Liên hợp quốc có được là do sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của các đảng viên ở phái bộ. Họ đã thực hiện đúng và chặt chẽ tinh thần “ba bám” xuyên suốt nhiệm kỳ của mình. Đó là bám cấp trên để thực hiện nhiệm vụ cho đúng, bám “địch” (lực lượng các phe phái ở địa bàn) để hiểu “địch” (các phe phái), và bám dân để tranh thủ sự ủng hộ đối với đường lối, chủ trương, phương thức thực hiện nhiệm vụ cụ thể của ta.

Từ “ba bám”, đặc biệt là bám dân thật sát, các đồng chí cán bộ, đảng viên GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam đã đạt thành tích nổi bật, được đồng nghiệp quốc tế và chỉ huy phái bộ đánh giá cao.

Một trong những thành công từ bám dân là trong khu tị nạn có nhiều người thân của tất cả các phe nhóm trong xung đột và họ đã thông tin lại cho ta thời điểm có thể xảy ra những trận càn hoặc xung đột giữa các nhóm. Do vậy, chúng ta luôn đảm bảo được an toàn cho chính lực lượng của mình và nhân viên của phái bộ. Dần dần, nhân viên phái bộ đặt cả lòng tin vào ta và tham vấn các sĩ quan Việt Nam khi muốn biết thông tin, dự báo xung đột ở một số địa bàn...

Với nhiều đóng góp nổi bật, hai đồng chí đảng viên đầu tiên của lực lượng GGHB Việt Nam khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Sudan đã được Tư lệnh phái bộ UNMISS 2 lần ký tặng Huy chương vì sự nghiệp GGHB Liên hợp quốc.

Huy chương vì sự nghiệp GGHB Liên hợp quốc trao tặng đồng chí Trần Nam Ngạn.

========*****========

KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA

Năm 2015, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp, hiện là Thượng tá, Phó chánh văn phòng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhận nhiệm vụ tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc tại phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi. Khi đó, ở phái bộ MINUSCA có 3 đồng chí đảng viên, đủ điều kiện thành lập một chi bộ. Theo chỉ đạo của Đảng ủy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (khi đó là Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam), các đồng chí đã thành lập chi bộ lâm thời thuộc Tổ Công tác phái bộ GGHB tại Cộng hòa Trung Phi để quán triệt những chỉ đạo từ trong nước và khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ ngoài thực địa một cách có tổ chức. Đồng chí Vũ Văn Hiệp cho biết: “Khó khăn là ở chỗ chúng tôi đều là những sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tới thực hiện nhiệm vụ ở MINUSCA, phải làm sao để thực hiện công việc theo hướng “mở đường” để còn hướng dẫn lại cho anh em đi sau. Chúng tôi xác định phải giữ vững nguyên tắc và tinh thần người đảng viên ở xa Tổ quốc, nêu cao trách nhiệm đảng viên, duy trì sinh hoạt đảng, triển khai hiệu quả nhiệm vụ Đảng ủy Trung tâm giao”.

Cover

Vượt qua khó khăn do khoảng cách địa lý nên chỉ được tiếp thu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy trong nước một cách “cách bức”, các đồng chí đã thực hiện tốt các mặt công tác như đối ngoại, dân vận, xây dựng đảng… thông qua việc gửi những bài viết cho báo chí trong nước, lập fanpage trên mạng xã hội Facebook với tên gọi “Chiến sĩ mũ nồi xanh” thu hút hàng chục nghìn người “Like” và đăng ký, lan tỏa tuyên truyền đặc biệt thông qua tổ chức các hoạt động lồng ghép thuyết trình về Việt Nam ở các tổ, nhóm ở phái bộ hay tổ chức lễ gặp mặt, kỷ niệm nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam. Còn nhớ trong thời gian này, Báo Quân đội nhân dân có một bài báo đặc biệt: “Chúng tôi tự túc rau xanh ở Cộng hòa Trung Phi”. Ngay ở thời điểm xuất bản ngày 26-3-2015, bài báo đã thu hút được hàng chục nghìn lượt xem trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử. Trồng rau không đơn giản chỉ là để cải thiện đời sống, mà còn thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất cứ chế độ nào của quân nhân đóng quân tại đơn vị, mà ở đây là chế độ “tăng gia sản xuất”. Sau này, việc các đơn vị GGHB của Việt Nam hướng dẫn người dân bản địa trồng rau xanh đã thành một hoạt động dân vận không thể thiếu.

Câu chuyện Thiếu tá Vũ Văn Hiệp trồng rau và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, Thượng tá Lê Ngọc Sơn dạy học cho học sinh ở Cộng hòa Trung Phi, Trung tá Nguyễn Thị Liên may khẩu trang giúp lực lượng phái bộ MINUSCA và người dân bản địa chống đại dịch Covid-19, Đại úy Vũ Nhật Hương làm tốt công tác truyền thông phái bộ, Thượng úy Ngô Xuân Tùng đàm phán giỏi với các phe nhóm vũ trang, các bệnh viện dã chiến cấp 2 mổ nhiều ca đặc biệt khó, đội công binh làm đường ở những điểm khó khăn cách đơn vị tới 500km đường rừng (Abu Quasa)… là những tấm gương cụ thể, thể hiện tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua” của đảng viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận.

Đội Công binh số 1 làm hệ thống hàng rào, đường tuần tra và hệ thống giao thông hào xung quanh khu vực đóng quân tại Phái bộ UNISFA. Video: QUANG TUYỂN - HỮU DƯƠNG

Thành tích của các đồng chí, dù là ở vị trí cá nhân hay theo đội hình đơn vị, cũng được chỉ huy phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Nhận xét về chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2) của Việt Nam, bà Hiroko Hirahara, Trưởng căn cứ Bentiu thuộc Phái bộ UNMISS, nói vui rằng BVDC2 của Việt Nam được triển khai đến Bentiu như một “sự cứu rỗi” đối với lực lượng các nước và những nhân viên Liên hợp quốc ở đây. Trong chuyến thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày 26-11-2022, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix cho biết ông đã tới Nam Sudan và khu vực Abyei và đánh giá rất cao sự dũng cảm cũng như những đóng góp lớn lao của lực lượng GGHB Việt Nam cho hòa bình thế giới. Viết vào sổ vàng lưu niệm của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, ông Jean-Pierre Lacroix nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của lực lượng GGHB gan dạ của Việt Nam”.

Cover

VIẾT TIẾP TRUYỀN THỐNG

Ngay trước thềm Đội Công binh số 2 được triển khai lên đường làm nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại khu vực Abyei, tại phòng họp của Đội Công binh số 2 tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Điện tử có cuộc trò chuyện với đồng chí Thiếu tá Lê Ánh Tuyết thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 1 trong đội hình của Đội Công binh số 2. Đồng chí Tuyết cho biết: “Ban đầu tôi cũng rất bất ngờ và vinh dự khi biết mình được tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc. Nhà tôi có 2 cháu, một bé gái 6 tuổi và một bé trai 4 tuổi. Các bạn nhỏ nhà tôi cũng khá là tự lập. Ông bà cũng hỗ trợ và cũng ủng hộ rất nhiều. Ông xã ở nhà cũng là bộ đội và cũng là bác sĩ nên cũng rất ủng hộ. Đây là nhiệm vụ và cũng là vinh dự cho cá nhân, cho gia đình nên tôi luôn xác định sẽ hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao khi tới địa bàn phái bộ”.

Cover

Thiếu tá Lê Ánh Tuyết cũng cho biết về trường hợp gia đình một đồng chí thượng úy (vì lý do tôn trọng quyền riêng tư, thông tin cụ thể về đồng chí thượng úy sẽ không được đề cập) trong Đội Công binh số 2 có vợ phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Sẽ là một khó khăn, thử thách không nhỏ đối với bất cứ ai khi có người thân rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khó khăn đó tăng lên gấp bội khi xảy ra vào đúng thời điểm đồng chí chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ xa nhà, xa Tổ quốc. Đảng ủy, Chỉ huy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Đảng ủy Đội Công binh số 2 đã tích cực động viên gia đình và người bệnh, tạo điều kiện giúp đỡ để gia đình bớt khó khăn. Với tinh thần của đảng viên, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và sự cảm thông, chia sẻ khó khăn của đồng chí, đồng đội, cũng như tinh thần dũng cảm, luôn sẵn sàng chịu đựng khó khăn của một người “vợ bộ đội”, đồng chí thượng úy đã quyết định tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc.

Gần một năm sau ngày gặp gỡ Đội Công binh số 2, trở lại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trong không khí sôi động chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống của Cục, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gặp Thượng úy Nguyễn Tiến Long, người chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ UNMISS. Đồng chí khẳng định: “Là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi coi nhiệm vụ tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao và sẽ nỗ lực trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, rèn luyện bản thân, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao trên cơ sở kế hoạch công tác nhiệm kỳ, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng, xây dựng ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách”.

Sau 10 năm, Việt Nam đã triển khai được hơn 800 lượt quân nhân tới các phái bộ GGHB và trụ sở Liên hợp quốc, trong đó có 114 đồng chí theo hình thức cá nhân, 5 thê đội BVDC2 và 2 thê đội công binh. 100% lực lượng khi kết thúc nhiệm kỳ công tác được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được Liên hợp quốc tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp GGHB. Nhiều cá nhân, đơn vị được nhận các phần thưởng cao quý khác của Nhà nước, Chính phủ và chỉ huy phái bộ nước sở tại. Điển hình trong đó là BVDC2 số 1 và Đội Công binh số 1 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; BVDC2 số 2 và số 4 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; BVDC2 số 1 và BVDC2 số 4 được Tư lệnh Phái bộ UNMISS tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc...

Đảng viên tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng một lực lượng GGHB của Việt Nam ngày càng vững mạnh, tiếp tục khẳng định: Ở đâu có đảng viên, ở đó nhiệm vụ và các mặt công tác luôn được thực hiện thông suốt với kết quả và hiệu quả cao.

Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Video: TRUNG THÀNH

(còn nữa)

Nội dung: TRỊNH DŨNG, HỮU DƯƠNG, QUANG TUYỂN, MAI HƯƠNG, TRUNG THÀNH
Ảnh: CỤC GGHB VIỆT NAM, ĐỘI CÔNG BINH SỐ 1, TTXVN
Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH