Dấu ấn Hà Nội trong tản văn
Trong các thể loại văn học, tản văn viết về Hà Nội không chỉ nhiều về số lượng mà có chất lượng nghệ thuật ấn tượng. Bởi lẽ, chính đặc trưng thể loại tản văn đã giúp các tác giả thỏa sức đắm chìm vào không gian văn hóa-lịch sử ngàn năm, tung tẩy câu chữ khám phá chiều kích tế vi của Hà Nội.
Theo định nghĩa của nhiều từ điển văn học trong và ngoài nước, tản văn (tiếng Pháp: Prose) là một thể loại văn xuôi (để phân biệt với văn vần), có truyền thống lâu đời và sức sống mạnh mẽ. Không có quy ước về dung lượng tản văn và thể loại này có thể hư cấu hoặc phi hư cấu, cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả. Cách thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính của tác giả.
Những từ khóa chúng ta cần lưu ý ở đây là “tính chất chấm phá”, “cấu tứ độc đáo”, “cá tính tác giả”. Như vậy, bản chất tản văn không chỉ thêu hoa dệt gấm ngôn từ mà còn phát hiện những chi tiết nhỏ nhất của đối tượng cần phản ánh để bật lên quan điểm, suy ngẫm độc đáo, ẩn sâu dưới những điều quen thuộc.
Thăng Long-Hà Nội là một trong những thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, hơn nữa, là thành phố hầu như liên tục trải qua hơn 1.000 năm giữ vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của Việt Nam. Thủ đô là nơi hình thành, lưu giữ đậm đặc những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cũng là điểm giao thoa các vùng, miền văn hóa khác nhau. Trầm tích văn hóa-lịch sử Hà Nội sâu sắc, lớp này chồng lên lớp kia, đến nỗi một cái cây, một góc phố, một món ăn... cũng chứa đựng bao nhiêu câu chuyện thú vị, hấp dẫn.
Một điểm chung của các cây bút từ xưa đến nay nổi tiếng viết tản văn về Hà Nội đều là những người gần như sống trọn cuộc đời ở Thủ đô. Có thể kể đến Phạm Đình Hổ thời trung đại, cho đến Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn, Giang Quân thời hiện đại hay ngay lúc này (đương đại) là Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý... Hiếm có cây bút nào không sinh ra, lớn lên và gắn bó lâu dài với Hà Nội mà lại viết tản văn nhiều và hay về đất kinh kỳ. Ngoài vấn đề thuộc về quy luật trong văn chương đó là người ta chỉ viết “đều tay” với đề tài quen thuộc; riêng với tản văn, bắt buộc tác giả phải suy ngẫm về đề tài liên tục, từ đó bật ra những suy nghĩ mới. Nhà văn phải đi lại hằng ngày trên những con phố, ghé những quán quen, quan sát đời sống thị dân, lượm lặt những câu chuyện, rồi ngẫm ngợi mới có thể viết ra những tản văn lý thú.
Số lượng cây bút viết tản văn về Hà Nội nhiều không kể xiết, điều đó có nghĩa những câu chuyện về di sản, con người được viết đi viết lại. Sự trùng lặp không phải là không có, song sở dĩ tản văn viết về Hà Nội vẫn được độc giả yêu thích bởi góc nhìn, giọng điệu, ngôn từ của các nhà văn không giống nhau. Lấy ví dụ ở thời đương đại: Mỗi tản văn của Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý như một bài khảo cứu nhỏ; Nguyễn Việt Hà tinh quái trong những lời nhận xét giễu nhại, ngôn từ hấp dẫn, vay mượn từ truyện kiếm hiệp; Đỗ Phấn vốn xuất thân là họa sĩ nên văn của ông đầy màu sắc, hình ảnh... Viết cùng về chủ đề như ẩm thực Hà Nội chẳng hạn, có người viết chỉ chuyên tả các món ăn ngon, trình bày cách chế biến tinh tế, số khác lại muốn nảy ra mâu thuẫn trong việc giữ hương vị món ăn truyền thống với việc biến đổi để “chiều khách”, lắm khi đánh mất sự tinh tế...
Với sự biến đổi của đời sống văn hóa Hà Nội, tản văn chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục ghi dấu ấn ở thời hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Song, có những người sành văn chương, họ không hài lòng khi văn chương viết về Hà Nội nổi bật ở thể loại tản văn, họ mong ước thể loại tiểu thuyết-máy cái của nền văn học. Mong mỏi đó là chính đáng nhưng không dễ, đòi hỏi bút lực phi phàm của tài năng văn chương lớn. Trước mắt, cái tạng nhà văn viết về Hà Nội phù hợp với tản văn hơn. Và trên hết, tản văn với đặc điểm độc đáo dường như phù hợp với xu hướng đọc ngắn của độc giả thời nay.
Ý kiến ()