Dấu ấn đổi mới của y tế xã
LSO-Trong những năm qua, y tế tuyến xã của Lạng Sơn đã từng bước đổi mới và vươn lên, xứng đáng là “mắt xích” đầu tiên trọng hệ thống y tế ngày càng đồng bộ.
Quân y Phòng khám Quân dân y xã Yên Khoái (Lộc Bình) khám bệnh cho trẻ em |
Sự tham gia của công nghệ thông tin
Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Chi Lăng cho biết: Từ 2 năm nay, tất cả các trạm y tế các xã trong huyện đều được nối mạng với TTYT huyện. Việc nối mạng đã giúp trạm y tế quản lý trạm, các chương trình như: thai nghén, tiêm chủng, chống lao, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh không lây nhiễm theo chương trình quốc gia về y tế. Qua hệ thống thông tin, TTYT cũng đã cập nhật và nắm được tình hình hoạt động của các trạm và có sự chỉ đạo kịp thời về các lĩnh vực như: quản lý hồ sơ bệnh án, thuốc BHYT, xử lý những ca cấp cứu trước khi chuyển lên tuyến trên…
Thống kê của ngành y tế cho thấy: đến nay toàn tỉnh đã có 100% số trạm y tế được kết nối với cơ quan chỉ đạo trực tiếp là TTYT huyện; trong đó có gần 80% có mạng Internet. Mạng lưới thông tin dần hoàn thiện đã thay đổi cung cách làm việc của đội ngũ cán bộ y tế xã theo hướng chuyên nghiệp hơn. Cán bộ y tế không những khai thác có hiệu quả thông tin trên Internet, mà còn xử lý tốt việc quản lý nội bộ, quản lý công việc và thông tin báo dịch hằng ngày.
Với gần 90% số xã có bác sĩ, cộng với sự tham gia của công nghệ thông tin, nên số lượng cũng như chất lượng khám và điều trị đã được nâng lên. Trong năm 2017, y tế xã đã khám cho trên 620 ngàn lượt người; điều trị nội trú trên 5.000 lượt bệnh nhân, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Công tác dự phòng cấp xã được đẩy mạnh, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được nâng cao; việc thực hiện chiến lược dân số/KHHGĐ đã đi vào nền nếp bằng công tác quản lý thai nghén và thực hiện đỡ đẻ tại trạm; công tác chăm sóc và bảo vệ bà mẹ và trẻ em đã có nhiều bước tiến mới. Hiện nay, y tế xã đã nhận chuyển giao quản lý và điều trị trên 10 ngàn bệnh nhân thuộc dự án phòng chống tăng huyết áp và dự án phòng chống đái tháo đường.
Hướng tới quản lý toàn diện
Chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi và bảo vệ sức khỏe cho 1.350 người dân của 9 thôn bản của xã Công Sơn (Cao Lộc), bác sĩ Bàn Thị Viên và các đồng nghiệp đã có sự phân công hợp lý đội ngũ trực trạm và những người xuống bản để thực hiện tuyên truyền vận động người dân thực hiện vệ sinh đề phòng dịch bệnh. Chị cho biết: “Với địa hình núi cao và khe sâu, việc đến bản khá vất vả. Song đội ngũ cán bộ y tế xã đã phối hợp tốt với y tế thôn bản để tuyên truyền, theo dõi, phát hiện và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ phạm vi gia đình, thôn bản. Sự góp sức của cộng nghệ thông tin đã giúp trạm nắm chắc số thai nghén, các kỳ khám thai, dự báo ngày sinh; nắm số trẻ em, lên lịch tiêm chủng và nhắc nhở người dân đưa con đi tiêm chủng… Vì vậy, các chương trình quốc gia luôn được thực hiện tốt.
Tuy vậy, công tác quản lý của y tế xã còn thiếu năng động. Công tác khám và điều trị theo kênh BHYT còn nhiều hạn chế; nhiều trạm chỉ khám và cấp thuốc những căn bệnh thông thường như cảm cúm, xổ mũi hắt hơi…
Trong nhiều năm, tuyến xã chỉ điều trị nội trú đạt từ 55-67% kế hoạch giao, cho dù có một số bệnh mà tuyến xã có thể điều trị được. Nhiều bác sĩ xã thiếu tự tin vào chuyên môn, có tư tưởng né tránh. Công tác quản lý bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân thuộc các dự án bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm ở cấp xã còn nhiều lúng túng, thiếu khoa học.
Rất cần một sự đổi mới toàn diện cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã, nhất là trong quản lý trạm, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân gắn với quản lý thẻ và thanh toán BHYT. Có như vậy, y tế xã mới xứng đáng với vị trí tuyến đầu trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới như Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.
MINH HỒNG
Ý kiến ()