Dấu ấn của ngành cơ khí dầu khí
Các chuyên gia và kỹ sư kiểm tra hệ thống dẫn dầu từ giàn khoan về tàu chứa. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 6-7, giàn đầu giếng H4 mỏ Tê giác trắng đã chính thức hoạt động trong niềm hân hoan của các cán bộ, kỹ sư Công ty Liên danh điều hành Hoàng Long (HLJOC), đơn vị chủ đầu tư và Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS), tổng thầu thực hiện dự án. Sau những giàn khoan "thuần Việt", đầy tự hào của ngành dầu khí Việt Nam như: Đại Hùng 02, Mộc Tinh..., thì giờ đây thêm một tên mới xuất hiện: giàn đầu giếng H4 Tê giác trắng.Hơn một triệu giờ lao động an toànDự án Phát triển mỏ Tê giác trắng bao gồm một tàu chứa, xử lý dầu khí (FPSO) và hai cụm giàn đầu giếng (H1 và H4), cùng hệ thống đường ống ngầm nội mỏ để vận chuyển hỗn hợp dầu khí, khí gaslilf, nước bơm ép. Đây là dự án lớn, được Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam rất quan tâm. Ngày 22-8-2011, giàn đầu giếng H1 đã...
Các chuyên gia và kỹ sư kiểm tra hệ thống dẫn dầu từ giàn khoan về tàu chứa. |
Hơn một triệu giờ lao động an toàn
Dự án Phát triển mỏ Tê giác trắng bao gồm một tàu chứa, xử lý dầu khí (FPSO) và hai cụm giàn đầu giếng (H1 và H4), cùng hệ thống đường ống ngầm nội mỏ để vận chuyển hỗn hợp dầu khí, khí gaslilf, nước bơm ép. Đây là dự án lớn, được Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam rất quan tâm. Ngày 22-8-2011, giàn đầu giếng H1 đã được đưa vào khai thác, đón dòng dầu đầu tiên, với lưu lượng trung bình 45 nghìn thùng dầu/ngày. Giai đoạn hai dự án, HLJOC đã ký kết Hợp đồng EPCI (thiết kế, thi công, mua sắm, chế tạo, và lắp đặt) với Công ty PVC-MS cho khối thượng tầng giàn đầu giếng H4, tổng trị giá hợp đồng hơn 44 triệu USD. Giám đốc PVC-MS Nguyễn Đình Thế cho biết, PVC- MS có kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động, đã tham gia thực hiện 60% các dự án chế tạo và xây lắp giàn khoan của ngành dầu khí, tuy nhiên đây là lần đầu đơn vị thực hiện một hợp đồng trọn gói, gồm cả thiết kế chế tạo, thiết kế thi công, mua sắm, chế tạo chạy thử, hạ thủy, vận chuyển lắp đặt, đấu nối vận hành và bàn giao cho chủ đầu tư. Do yêu cầu khắt khe về công nghệ, thời gian thi công cho nên PVC-MS đã có sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Sau mười tháng thi công trên bờ, ngày 18-5, PVC-MS đã hạ thủy Topside H4 để đưa ra mỏ Tê giác trắng lắp dựng. Gần 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của PVC-MS và các nhà thầu phụ đã được huy động ra mỏ để thực hiện nhiệm vụ lắp đặt và chạy thử giàn khai thác H4. Cũng trong thời gian này, HLJOC và PVC-MS đã tổ chức kỷ niệm hơn một triệu giờ lao động an toàn cho dự án, đánh dấu thành tích quan trọng mà PVC-MS cùng HLJOC đạt được, bởi so với các dự án khác, dự án khối thượng tầng giàn H4 khó khăn hơn nhiều do đặc thù công việc phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong không gian chật chội, làm việc trên cao, lực lượng lao động thường xuyên tới 500 người, đỉnh điểm lên tới 600 người, thuộc nhiều nhà thầu khác nhau, nhưng PVC-MS và HLJOC đã điều hành kiểm soát tốt để dự án luôn đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ và các tiêu chí an toàn.
Dấu ấn của người thợ dầu khí Việt Nam
Sau 42 ngày lắp dựng tại mỏ Tê giác trắng, ngày 30-6, cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động của HLJOC và PVC-MS đã trở về đất liền, hoàn thành nhiệm vụ lắp đặt, chạy thử giàn khai thác H4 Tê giác trắng và sửa chữa, đấu nối giàn khai thác H1. Theo Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 2, Giám đốc thi công dự án H4 Tê giác trắng PVC-MS Phạm Đình Nhu, việc lắp dựng giàn H4 được thực hiện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, biển động thường xuyên, tuy nhiên lực lượng lao động tại công trình vẫn làm việc thay ca liên tục 24/24 giờ, đồng thời thực hiện cùng một lúc nhiều công việc, điều phối hiệu quả, kiểm soát tốt mọi hoạt động sản xuất nên việc lắp dựng, kết nối và chạy thử giàn H4 đã thành công tốt đẹp. Đáng chú ý, trong quá trình thi công trên biển, lực lượng lao động của đơn vị đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, rút ngắn tiến độ lắp dựng hơn mười ngày so với kế hoạch đề ra. Cùng với việc rút ngắn thời gian thi công dự án trên bờ hơn 20 ngày, PVC-MS đã bàn giao công trình sớm hơn một tháng so với kế hoạch.
Tổng Giám đốc HLJOC Ngô Hữu Hải chia sẻ, khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 có tổng khối lượng khoảng 2.000 tấn kết cấu, là công trình phức tạp, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về công nghệ. Để thực hiện dự án, ngay từ khi khởi công, HLJOC và PVC- MS đều thể hiện quyết tâm cao, sớm đưa dự án vào khai thác. Sau khi hoàn thành việc thi công dự án trên bờ và được cơ quan kiểm định quốc tế Germanishers Lloyd cấp giấy chứng nhận công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngày 16-5-2012, công trình đã chính thức hạ thủy để đưa ra lắp đặt ngoài khơi với nỗ lực cao nhất, vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng và tuyệt đối an toàn.
Việc thực hiện thành công Dự án Phát triển mỏ Tê giác trắng nói chung và khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 nói riêng một lần nữa khẳng định uy tín, thương hiệu của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam trong thực hiện các dự án lớn, kỹ thuật cao, trước đây phần lớn đều do các công ty nước ngoài thực hiện. Đây là niềm tự hào không chỉ của những người thợ dầu khí HLJOC, PVC-MS và các nhà thầu phụ, mà của cả ngành dầu khí Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()