Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liên Xô năm 1955
Chuyến thăm Liên Xô chính thức đầu tiên của một đoàn đại biểu cấp cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, diễn ra tại nhiều thành phố nhằm thu hút, tuyên truyền về đất nước Việt Nam tới người dân Liên Xô.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hòa bình lập lại năm 1954, hoạt động viếng thăm ngoại giao hữu nghị tới các nước anh em đóng vai trò rất quan trọng đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa trải qua nhiều năm tháng bị chiến tranh tàn phá.
Một trong những chuyến công du như vậy là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc, Mông Cổ và Liên Xô năm 1955.
Thông qua Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Yekaterinburg, phóng viên TTXVN đã được làm việc với Sở lưu trữ tỉnh Sverdlovsk và được trực tiếp tiếp cận những tư liệu quý về hoạt động của Bác ở vùng Urals, qua đó có thể phác họa rõ những hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm Liên Xô chính thức diễn ra vào tháng 7/1955 này.
Đây là chuyến thăm Liên Xô chính thức đầu tiên của một đoàn đại biểu cấp cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa , diễn ra tại nhiều thành phố nhằm thu hút, tuyên truyền về đất nước Việt Nam tới người dân Liên Xô.
Chuyến thăm bắt đầu ngày 9/7/1955, khi máy bay chở Bác và đoàn đại biểu từ Ulan Bator (Mông Cổ) hạ cánh xuống Irkutsk thăm thành phố này.
Trong thành phần đoàn đại biểu có Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiền, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Nông-Lâm Nghiêm Xuân Yêm và các thành viên khác. Nhìn vào thành phần đoàn, có thể thấy một trong những mục đích của chuyến thăm là khảo sát, nghiên cứu để phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.
Ở Irkutsk, Bí thư Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Nikolai Pegov đã đón và tháp tùng đoàn đi thăm công trường xây dựng nhà máy thủy điện Irkutsk trên sông Angara; thăm nông trang tập thể “Trên đường Stalin” ở làng Khomutovo, thăm nông trang nuôi gia súc mang tên Dzerzhinsky.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự quan tâm tới công trình xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên trên sông Angara và các công nhân đã tặng Bác một cuốn album hình ảnh công trường. Tiếp đó, ngày 10/7/1955 đoàn đến thành phố Novosibirsk, thăm công trường xây dựng cầu qua sông Obi. Đi đến đâu, đoàn cũng nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của người dân Liên Xô.
Ngày 11/7/1955, đoàn đến thăm thành phố Sverdlovsk, nay là Yekaterinburg, trái tim của vùng công nghiệp Urals giàu khoáng sản 2 ngày.
Theo thông tin đăng trên báo “Công nhân Ural” các ngày 12/7 và 13/7 trong kho tư liệu của Sở lưu trữ Sverdlovsk, ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Koltsovo, đoàn đã tới thăm nhà máy Uralmash mang tên Ordzhonikidze nổi tiếng, doanh nghiệp công nghiệp số một tại Sverdlovsk chuyên sản xuất các máy móc siêu trường phục vụ khai mỏ. Khi đó, Liên Xô đã dự kiến sẽ giúp khôi phục ngành khai thác mỏ của miền Bắc Việt Nam và chuyến thăm của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Sverdlovsk có ý nghĩa đáng kể trong công cuộc khôi phục đất nước Việt Nam.
Tại bảo tàng của nhà máy Uralmash mang tên Ordzhonikidze ngày nay vẫn còn lưu giữ bút tích của Bác Hồ trong sổ lưu niệm bút tích các khách danh dự của nhà máy. Bác viết: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm nhà máy Uralmash. Chúng tôi rất vui mừng thấy những thành tích to lớn của nhà máy trong việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Chúc các đồng chí tiến bộ mãi mãi. Lời chào anh em. Hồ Chí Minh. Trường Chinh.”
Sau đó đoàn đến thăm Bảo tàng Địa chất Ural, tại đây, Hồ Chủ tịch đã để lại bút tích trong sổ lưu niệm: “Ural đất thì giàu, người thì giỏi. Lấy của đất và sức người để xây dựng chủ nghĩa cộng sản.”
Lãnh đạo bảo tàng đã tặng Bác Hồ một mảnh thiên thạch Kunashak – rơi xuống khu vực Kunashak, tỉnh Chelyabinsk, ngày 11/6/1949. Trưa 12/7, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bay đi Moskva.
Ngày 13/7, máy bay chở Bác và đoàn đại biểu cấp cao đến Moskva. Theo bài viết trên báo Pravda (Sự thật) số ra ngày 13/7 lưu giữ tại Viện Lưu trữ lịch sử chính trị-xã hội Quốc gia Nga (RGASPI) ở thủ đô Moskva, trong diễn văn đọc trước các nhà lãnh đạo Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiện nay nhân dân Việt Nam đang đứng trước nhiều nhiệm vụ to lớn: Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước thông qua con đường tổng tuyển cử tự do theo Hiệp định Geneva. Trong khi đó chúng tôi cũng cần khôi phục và phát triển kinh tế, vốn bị tàn phá sau 8-10 năm chiến tranh, để đạt được độc lập và dân chủ trên toàn đất nước. Trong cuộc đấu tranh của chúng tôi để thực hiện các nhiệm vụ này, chúng tôi tin tưởng vững chắc nhận được sự giúp đỡ từ Liên Xô, các nước anh em khác và tất cả các dân tộc yêu hòa bình trên thế giới.”
Tiếp đó là những phát biểu của Người bằng tiếng Nga: “Tình hữu nghị không thể phá vỡ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô muôn năm. Liên Xô muôn năm! Đảng Cộng sản Liên Xô muôn năm! Hòa bình trên toàn thế giới muôn năm!”
Chuyến thăm Liên Xô chính thức đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Bác cũng như đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt kết quả to lớn trên nhiều phương diện.
Về chính trị, Liên Xô hoàn toàn nhất trí với Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Về kinh tế, ngày 18/7, hai bên đã ký hiệp định về việc Liên Xô viện trợ cho Việt Nam và một hiệp định thương mại là điểm khởi đầu của mối quan hệ kinh tế thường xuyên giữa hai nước. Trước đó, tất cả viện trợ của Liên Xô đều đi qua Trung Quốc.
Để khôi phục kinh tế, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 300 triệu rubble. Trong số này, 175 triệu rubble được sử dụng để khôi phục 25 xí nghiệp. 125 triệu rubble còn lại để cung cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế quốc dân và người dân.
Sáu mươi nhăm năm trôi qua, tuy nhiên qua những tư liệu quý ở Nga, ta có thể thấy chuyến thăm Liên Xô năm 1955 này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một dấu ấn lớn trong lịch sử đấu tranh và mưu cầu hòa bình, phát triển đất nước của Việt Nam./.
Ý kiến ()