Dấu ấn chuyển đổi số
– Năm 2021 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của tỉnh Lạng Sơn về chuyển đổi số. Mặc dù mới triển khai song đến nay, 3/5 trụ cột về chuyển đổi số của tỉnh là: chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số cơ bản hoàn thành, tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh và rõ nét.
Ngày 10/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 135/KH-UBND về thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, chính quyền số được triển khai đồng bộ với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% số liệu, báo cáo được tổng hợp định kỳ và chia sẻ trên cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và Chính phủ; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số. Với kinh tế số, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng tối thiểu 7%. Mục tiêu phát triển xã hội số, hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 80% số hộ dân, 100% xã, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; phấn đấu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%…
Cán bộ Chi cục Hải quan Hữu Nghị theo dõi phương tiện ra vào cửa khẩu thông qua nền tảng cửa khẩu số
Sau khi xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, ban chỉ đạo chuyển số từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực chỉ đạo triển khai nội dung chuyển đổi số nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra. UBND tỉnh tối ưu hóa nguồn hỗ trợ về nhân lực, vật lực từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các doanh nghiệp viễn thông vào công cuộc chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sở TT&TT đã nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, nghị quyết về chuyển đổi số; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số trong việc xây dựng các nền tảng số; đào tạo, hướng dẫn các thành viên của tổ công nghệ cộng đồng. Sở đã thành lập được hơn 1.700 tổ công nghệ cộng đồng với hơn 6.000 thành viên.
Sau một năm thực hiện chuyển đổi số, Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật về triển khai chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, triển khai xây dựng chính quyền số, 100% dịch vụ công đủ điều kiện trong năm 2021 đã được nâng lên trực tuyến mức độ 4. Về kinh tế số, cửa khẩu số, trong năm 2021, toàn tỉnh đã phát triển được 116.000 cửa hàng số (chiếm 60% tổng số hộ dân toàn tỉnh), 102.000 tài khoản thanh toán điện tử, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước 4 năm. 200 cây ATM mềm cũng được triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các xã thực hiện các giao dịch. Nền tảng của khẩu số đang trong quá trình chạy thử tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Hiện nay, nền tảng cửa khẩu số đã kết nối với nền tảng cơ sở dữ liệu hải quan của Tổng cục Hải quan và cơ sở dữ liệu đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Phạm Tuấn Hoàn, Phó Giám đốc Công nghệ thông tin, Công ty Cổ phần Hữu nghị Xuân Cương (huyện Cao Lộc) cho biết: Chúng tôi chuyên cung cấp các dịch vụ bến bãi, sang tải tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị. Việc đưa nền tảng cửa khẩu số vào triển khai giúp chúng tôi xác nhận thông tin nhanh hơn, từ đó sang tải nhanh hơn. Hiện công ty đã lắp đặt và liên thông hệ thống camera giám sát với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để phục vụ tốt hơn công tác xuất nhập khẩu.
Trong năm 2021, các nền tảng công nghệ phục vụ xã hội số đã được đưa vào triển khai, Sở TT&TT đã triển khai nền tảng số dùng chung cho công tác quản lý dạy và học cho 674/674 trường học trên địa bàn tỉnh, 100% giáo viên được cấp chữ ký số miễn phí để tạo học bạ điện tử và bảng điểm điện tử giúp tiết kiệm ngân sách được khoảng 130 tỷ đồng. Tại 100% bệnh viện tuyến huyện đã được trang bị hệ thống hội chẩn từ xa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lý, Đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông tại Lạng Sơn, Giám đốc Viễn thông Lạng Sơn cho biết: Mặc dù thời gian qua, các nền tảng số phải triển khai “thần tốc” nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng cũng như giá trị đem lại. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Viễn thông Lạng Sơn đã cơ cấu lại đội ngũ công nghệ thông tin và chủ động đào tạo nâng cao tay nghề cho kỹ thuật viên. Chính vì vậy, chỉ sau 3, 4 tháng, chúng tôi đã hoàn thành các nền tảng công nghệ.
Với những kết quả đạt được, năm 2021, Lạng Sơn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số trong cả nước. Tin rằng năm 2022 và những năm tiếp theo, công cuộc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần tích cực vào công tác phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.
Ý kiến ()