Dấu ấn cán bộ biên phòng nơi biên giới
Nằm dọc tuyến biên giới của Lai Châu là 23 xã miền núi, nơi cư trú của 10 dân tộc thiểu số. Những đổi thay của vùng đất gian khó này mang đậm dấu ấn của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nhất là những cán bộ tăng cường làm bí thư hoặc phó bí thư Đảng ủy xã.
Nằm dọc tuyến biên giới của Lai Châu là 23 xã miền núi, nơi cư trú của 10 dân tộc thiểu số. Những đổi thay của vùng đất gian khó này mang đậm dấu ấn của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nhất là những cán bộ tăng cường làm bí thư hoặc phó bí thư Đảng ủy xã.
Những cấp ủy viên mang quân hàm xanh
Con đường trải nhựa quanh co đưa chúng tôi lên độ cao gần 1.700 m, về với xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ. Trước cổng trụ sở xã có rất đông đồng bào người Dao, Mông, Hà Nhì bày bán các loại hàng hóa. Các chàng trai, cô gái xúng xính váy áo mới, tay lướt phím điện thoại nhắn tin. Tôi thắc mắc: Hôm nay có phải phiên chợ không mà đông vui thế? Một cán bộ xã giải thích: Xã không có chợ. Hôm nay là ngày bà con nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo và tiền dầu, mỗi hộ được nhận chưa đến 100 nghìn đồng, nhưng người dân quanh vùng biết tin đem hàng đến bán. Anh còn cho biết, ngày đông vui nhất xã là ngày bà con được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi hộ được nhận bốn triệu đồng. Từ tinh mơ, dòng người cùng hàng hóa khắp nơi đổ về nườm nượp như ngày hội.
Thiếu tá Phạm Văn Hà, cán bộ tăng cường là Bí thư Đảng ủy xã Sin Súi Hồ đang lúi húi chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp đảng ủy. Dáng cao lớn, trong quân phục bộ đội biên phòng, gương mặt sạm đen, phong trần, nghiêm nghị của anh, tạo cảm giác vững tin ngay lần đầu gặp gỡ. Trong buổi làm việc hôm trước với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu, mọi người nhắc đến anh Hà như là một “chuyên gia” củng cố cơ sở đảng yếu kém ở vùng biên. Hơn 20 năm bám trụ tại đất này, làm công tác vận động quần chúng, cho nên Bí thư Đảng ủy xã Sin Súi Hồ nắm chắc địa bàn. Trước đây, anh được phân công làm tổ trưởng tổ cán bộ tăng cường cho xã Vàng Ma Chải, cán bộ tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, sau đó được điều về củng cố xã Pa Vây Sử với cương vị Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã. Chỉ hơn một năm, Pa Vây Sử từ yếu kém trở thành xã khá của huyện Phong Thổ. Năm 2010, nội bộ cán bộ xã Sin Súi Hồ mất đoàn kết, nhiều yếu kém; hoạt động truyền đạo trái pháp luật có chiều hướng gia tăng. Huyện ủy Phong Thổ kiến nghị chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động đồng chí Hà về giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã. Ngày nhận nhiệm vụ mới, anh đã gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với đội ngũ cán bộ xã để tạo đồng thuận, chung tay, góp sức xây dựng xã vùng biên ngày thêm vững mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tẩn Vần Hin kể lại nhiều câu chuyện về quá trình Bí thư Hà bám bản. Có những bản xa như Sàng Mà Pho phải đi nửa ngày đường, Bí thư Hà cùng cán bộ xã phải đi lại nhiều lần, tìm hiểu nhiều cách, giúp bà con phát triển kinh tế. Theo phong tục nơi đây, bà con thường mang rượu ngon thết khách quý, nhưng mỗi khi xuống bản đồng chí Hà kiên quyết không uống rượu, vừa để rèn tác phong cho cán bộ, đồng thời tránh phiền hà cho cơ sở. Theo đồng chí Hin, trước đây cán bộ xã hay đi làm muộn, có khi vài ngày mới đến trụ sở, bây giờ phải đi làm đủ thời gian rồi. Ngày trước cán bộ không biết xây dựng chương trình phát triển kinh tế – xã hội, không thạo viết báo cáo, bây giờ được Bí thư Hà hướng dẫn đã biết cách làm. Năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cũng theo đó được nâng lên. Nhiệm kỳ qua, xã kết nạp 33 đảng viên; thôn, bản nào cũng có đảng viên; bổ sung những người có uy tín và năng lực cho cơ sở.
Nhìn vào đội ngũ cán bộ xã còn nhiều mặt hạn chế, có người mới biết đọc, biết viết, anh Hà trăn trở tìm cách đào tạo cán bộ tại chỗ. Trong 5 năm, có 19 lượt cán bộ, công chức được cử đi học, luân chuyển vị trí công tác 14 lượt cán bộ. Từ đó, vào kỳ Đại hội Đảng bộ xã tới đây, địa phương sẽ bổ sung nhiều cán bộ trẻ là người dân tộc thiểu số như Bí thư Đoàn xã Trang A Tủa, 27 tuổi, đang học trung cấp nông nghiệp; Chủ tịch Hội phụ nữ Chẻo Ú Mẩy, 25 tuổi, đang học sơ cấp phụ vận. Hơn 70% số cán bộ xã biết sử dụng máy tính, in-tơ-nét để làm việc. Từ một chi bộ hơn 30 đảng viên, năm 2007, đến nay đã phát triển lên thành đảng bộ với 78 đảng viên, 11 bản trong xã đều có chi bộ. Năm 2011, Đảng bộ Sin Súi Hồ xếp loại yếu, năm 2012 vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ và các năm tiếp theo đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các xã vùng biên giới tỉnh Lai Châu, đã có 20 sĩ quan biên phòng được tăng cường làm bí thư, phó bí thư đảng ủy. Đây là địa bàn rất khó khăn, ở độ cao hơn 1.200 m so mực nước biển. Gắn bó cơ sở bằng sự tận tâm với công việc, tinh thần của người lính, các đồng chí tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” trước đây, để không còn thói quen trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hay tư tưởng cục bộ dòng tộc. Về thăm xã Nậm Ban huyện Sìn Hồ, xã Thu Lũm, Ka Lăng thuộc huyện Mường Tè, xã Hua Bum, Trung Chải của huyện Nậm Nhùn, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều ngôi nhà mới. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; dịch vụ thương mại đã về tới trung tâm xã.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi về đời sống vùng cao, bà con nơi đây luôn nhắc đến những sĩ quan biên phòng bằng chữ tình, chữ nghĩa, như Thiếu tá Phạm Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban. Được phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này là Bí thư Đảng ủy xã. Việc đầu tiên là anh dành thời gian, công sức vận động bà con bỏ thói quen uống rượu, tích cực lao động sản xuất. Hội viên các chi hội làm trước để hướng dẫn bà con làm theo. Đến nay, có những hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả như hộ ông Tào A Toi ở bản Nậm Nó 1 nuôi hàng trăm con trâu, dê, trồng ngô, nuôi cá đem lại thu nhập cao. Còn nhiều cán bộ BĐBP để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng dân như Trung tá Nguyễn Văn Chuân được tăng cường về xã Pa Vệ Sử; Tạ Quang Thái ở xã Tung Qua Lìn, Lê Văn Dung về xã Huổi Luông; Nguyễn Duy Tuyên xã Mồ Sì San… xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay giúp dân phát triển kinh tế. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá cao đóng góp của cán bộ tăng cường. Qua đánh giá phân loại chất lượng hàng năm, đội ngũ cán bộ tăng cường về xã đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tạo thế sâu rễ, bền gốc
Nhắc lại những ngày đầu đưa cán bộ biên phòng về xã, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Lai Châu, Lê Công Thành cho biết, giai đoạn 2007 – 2010, nhằm củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã Nậm Ban, đồng chí Phạm Minh Hải, cán bộ Đồn Biên phòng Pa Tần được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Sau ba năm, Nậm Ban từ xã yếu kém vươn lên trung bình, mọi hoạt động có chuyển biến rõ rệt. Từ cách làm này, giai đoạn 2010 – 2015, Đảng ủy BĐBP tỉnh và ba huyện biên giới Mường Tè, Nậm Nhùn và Phong Thổ đã giới thiệu 21 sĩ quan biên phòng tăng cường cho các xã biên giới. Trong số 20 đồng chí được tăng cường trước đó, có hai đồng chí làm Bí thư Đảng ủy và 16 Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Những sĩ quan bộ đội biên phòng được tuyển chọn đều đã gắn bó hàng chục năm với vùng đất biên cương, hiểu đất, hiểu người, hiểu phong tục tập quán của đồng bào và những khó khăn của địa bàn. Cán bộ tăng cường thường xuyên được tập huấn về lý luận chính trị, công tác quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các chính sách đang áp dụng với vùng cao. Các anh đã học tiếng dân tộc, nghiên cứu về công tác dân tộc, công tác tôn giáo và quản lý nhà nước. Các đồn biên phòng tăng cường phối hợp các xã trong triển khai việc mới, việc khó như trồng thảo quả, caosu, chăn nuôi tập trung… Cách đây 10 năm, các xã biên giới chỉ có năm đảng bộ, 16 chi bộ cơ sở, 37 chi bộ trực thuộc với hơn một nghìn đảng viên. Đến nay, các xã đều thành lập đảng bộ, 309 chi bộ trực thuộc, số đảng viên tăng gấp đôi, trong đó có nhiều đảng viên dân tộc Mông, Hà Nhì, La Hủ. Các đoàn thể được củng cố. Nguồn cán bộ xã được bổ sung nhiều cán bộ trẻ tuổi, có trình độ, có thể đáp ứng yêu cầu công việc khi cán bộ tăng cường rút về đơn vị.
Tiếp xúc với cán bộ BĐBP, chúng tôi thêm khâm phục tinh thần làm việc quên mình, lăn xả vào công việc và “ba cùng” với cơ sở để chỉ đạo ráo riết, theo đuổi đến cùng những mục tiêu đặt ra, nhất là công tác xây dựng Đảng, xử lý đơn thư khiếu nại của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các anh thật sự trở thành những “trụ thép”, cùng bà con các dân tộc xây dựng vùng biên giới vững mạnh, giữ vững vùng phên giậu của Tổ quốc.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()