Dấu ấn các chương trình hỗ trợ giảm nghèo
LSO-Hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là chương trình có ý nghĩa lớn đối với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Bình Gia là 1 trong 2 huyện của tỉnh được thụ hưởng chương trình này. Cùng với nguồn vốn chương trình 135 và các nguồn vốn hỗ trợ khác, diện mạo Bình Gia từng bước được đổi thay.
Công trình Trường Tiểu học xã Tân Văn được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới |
Sức bật cho xã vùng khó khăn
Những ngày giữa tháng 8/2017, chúng tôi đến xã Tân Văn – 1 trong 17 xã khó khăn của huyện Bình Gia. Chứng kiến những đổi thay của xã mới thấy hết được hiệu quả từ những chương trình hỗ trợ của Chính phủ (chương trình 135; xây dựng nông thôn mới (NTM), Nghị quyết 30a) đem lại.
Ông Hoàng Văn Hợp, Trưởng thôn Bảo Dao, xã Tân Văn cho biết: Thời gian qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống đường giao thông trong thôn cơ bản được cứng hóa. Cùng đó, nhân dân được hỗ trợ lợn giống, bò sinh sản, hỗ trợ tiền phát triển sản xuất… bà con có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Phấn đấu cuối năm 2017, số hộ nghèo của thôn giảm được 10 hộ trở lên.
Ông Hoàng Văn Uyên, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Từ nguồn vốn xi măng hỗ trợ của Nhà nước, đường trục thôn đã cứng hóa được 20,7 km, đạt 73%. Ngoài ra, từ nguồn vốn xây dựng NTM, đã cứng hóa được 3,6 km đường trục xã. Từ đầu năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo chương trình 135, 476 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 8.566 cây cam đường canh và bưởi diễn. Đồng thời, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng khoai tây với diện tích 25 ha. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 19 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện chỉ còn 238 hộ nghèo, chiếm 22,58%. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm khoảng 3%.
Ngoài Tân Văn, 16 xã khó khăn của huyện Bình Gia đều được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ, qua đó tạo đà để các xã nỗ lực vươn lên.
Giảm nghèo bền vững
Từ năm 2015 đến nay, huyện Bình Gia đã được hỗ trợ gần 50 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 30a để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các xã vùng đặc biệt khó khăn, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông. Riêng năm 2017, huyện được phân bổ vốn hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng, đầu tư 4 công trình (2 công trình đường giao thông liên xã, 1 công trình trường mầm non và 1 công trình thủy lợi). Những công trình giao thông khi hoàn thành sẽ là tiền đề thúc đẩy giao thương, qua đó người dân có thể mở rộng sản xuất.
Theo ông Nông Minh Hường, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện: Bình Gia có 17 xã và 148 thôn đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp. Vì thế, với nguồn vốn chương trình 135 hơn 122 tỷ đồng (giai đoạn 2011 – 2016), huyện đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sạch… là tiền đề cho bà con phát triển sản xuất, thúc đẩy giao thương, từng bước tăng thu nhập. Đặc biệt, gần 29,5 tỷ đồng vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình 135 đã hỗ trợ bà con được 7.880 kg giống cây trồng; 29.728 cây ăn quả; 710.737 cây công nghiệp; 3.614 kg phân bón các loại… Qua đó giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2017, vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện thuộc chương trình 135 được giao hơn 17 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đầu tư 25 công trình gồm: 14 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi, 6 công trình trường học, 3 công trình trạm y tế, 1 công trình điện.
Ông Lương Trương Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Từ năm 2011 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ theo chương trình 135 đã được huyện triển khai, sử dụng đúng mục đích và đạt được kết quả tích cực. Từng bước thay đổi tư duy sản xuất và hình thành các vùng chuyên canh, chăn nuôi tập trung. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, số lượng người dân tham gia các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, văn hoá tăng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm theo từng năm (2011: 56,40%, năm 2016 giảm xuống còn 40,11%; năm 2017 phấn đấu giảm từ 3 – 5%).
Bình Gia là huyện khó khăn nhất, nhì của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao hơn so với bình quân chung của toàn tỉnh. Vì vậy, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ đã và đang giúp Bình Gia từng bước giảm ngheo bền vững.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, từ năm 2012 đến nay, tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện khoảng 350 tỷ đồng, chủ yếu tập trung xây dựng và nâng cấp điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt… |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()