Dấu ấn 15 năm đưa sách về cơ sở
Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Đây là cơ hội để nhìn lại một chủ trương hết sức đúng đắn, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong quá trình thực hiện. Từ đó đề ra các giải pháp đổi mới hiệu quả của Đề án trong thời gian tới.
Giải “cơn khát” tri thức ở cơ sở
Xã, phường, thị trấn là cấp quản lý hành chính sâu sát, gần dân nhất trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải thông qua cơ sở, phải được thực hiện ở cơ sở để tạo thành phong trào hành động của nhân dân. Để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trình Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngày 10-2-2009, Ban Bí thư đã ra Thông báo số 220-TB/TW đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.
Đến nay, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 600 đầu sách, đĩa CD-ROM, CD Audio, với tổng số 14.408.340 bản in. Trang thư viện điện tử của Đề án được xây dựng từ đầu năm 2020 và số hóa hơn 400 đầu sách của Đề án. Những cuốn sách đa dạng về đề tài như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể; phổ biến kiến thức chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa-xã hội, khoa học kỹ thuật… áp dụng vào sản xuất, đời sống nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã, đáp ứng yêu cầu thời kỳ phát triển và nâng cao dân trí ở cơ sở.
Người dân thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đọc các sách thuộc Đề án. (Ảnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cung cấp).
Các địa phương khi tiếp nhận số sách theo quy định đã biết phân chia hợp lý theo từng đối tượng người đọc. Ví như, đối với những sách công cụ phục vụ cán bộ, công chức được giữ lại tại trụ sở; những sách phổ biến pháp luật, khoa học thường thức, khuyến nông… được đưa về nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng trong địa bàn để phục vụ nhân dân. Ở một số địa phương xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình phát huy giá trị tủ sách cơ sở như: Hội thi tìm hiểu sách Đề án, mô hình “Điểm sáng pháp luật” đưa sách pháp luật đến doanh nghiệp và các địa điểm công cộng như quán cà phê, vận động tặng sách để tủ sách cơ sở thêm phong phú….
Thượng úy Lê Ngọc Anh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ đồn luôn xem sách của Đề án là công cụ hữu ích ứng dụng trong công tác, đời sống. Đồn thường xuyên tổ chức đọc, tìm hiểu nội dung gắn với các hoạt động của đơn vị, nhất là hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, nổi lên là: Chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, nhiều thư viện cấp huyện, thư viện cấp xã tiếp tục bị sáp nhập, thậm chí xóa bỏ. Loại hình thư viện, tủ sách, phòng đọc cộng đồng do chính quyền xã quản lý bị cắt kinh phí từ ngân sách, chuyển giao cho cộng đồng quản lý, cơ bản rất khó tồn tại. Ngoài ra, sự thiếu chủ động trong khai thác, sử dụng, lan tỏa sách; ở nhiều nơi cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc…
Tiếp tục nâng cao chất lượng Đề án
Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong triển khai Đề án, theo bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật: Cần tìm kiếm các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách, mở rộng, tăng cường số lượng và đề tài sách cấp phát cho các địa phương; đầu tư kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ người đọc; thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác truyền thông trên các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội nhằm giới giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Đề án, những mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở cơ sở; khen thưởng, biểu dương các mô hình hay, cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần lan tỏa sức hút của Đề án tới cộng đồng.
Giao diện trang Thư viện sách điện tử của Đề án. (Ảnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cung cấp) .
Đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động rất lớn đến toàn bộ đời sống con người và xã hội, chuyển đổi số trở thành một xu thế tất yếu; bên cạnh nhu cầu sử dụng ấn phẩm truyền thống (sách giấy); cán bộ và nhân dân ở cơ sở còn muốn tiếp cận những sản phẩm của xuất bản số như: Tiếp cận và đọc sách trên internet, mạng xã hội; đọc sách trên các ứng dụng phần mềm… Cho nên cần tập trung chú trọng đa dạng hóa các phương thức xuất bản, tăng cường phương thức xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên các nền tảng số. Đặc biệt xuất bản thêm nhiều đầu sách nói, sách hình ảnh, sách đa phương tiện bằng nhiều thứ tiếng phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Điều quan trọng nhất để Đề án tiếp tục phát huy mục đích xuyên suốt vẫn là cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung các tài liệu của Đề án. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cho rằng, Ban chỉ đạo Đề án nên thường xuyên tổ chức đoàn công tác đi nắm tình hình thực tế tại địa phương để tìm hiểu xem người dân cần đọc sách về lĩnh vực nào, từ đó mới có thể biên soạn những cuốn sách mới có nội dung hợp với thị hiếu, trình độ của nhân dân, hạn chế tối đa việc rút gọn những cuốn sách có nội dung không phù hợp.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/dau-an-15-nam-dua-sach-ve-co-so-758216
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()