Dấu ấn 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật
– Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 10 năm triển khai, việc thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Triển khai đồng bộ
Ngay khi Luật PBGDPL được thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 23/11/2012 về triển khai thực hiện luật. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành ở cấp tỉnh. Đồng thời, tham mưu xây dựng các kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn và hằng năm, tạo cơ sở để các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp triển khai công tác PBGDPL đồng bộ, trọng tâm phù hợp với từng vùng, từng thời điểm.
Công chức tư pháp – hộ tịch xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Theo đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp thường xuyên được kiện toàn, duy trì hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh có 86 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 320 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, hơn 3.000 tuyên viên pháp luật, hơn 10.000 hòa giải viên. Đây là lực lượng nòng cốt, cầu nối đưa pháp luật đến Nhân dân.
Tại cơ sở, cấp ủy, chính quyền cũng quan tâm thực hiện công tác PBGDPL cho cán bộ và Nhân dân. Hằng năm, 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch PBGDPL, triển khai tuyên truyền pháp luật qua hội nghị, lồng ghép tại cuộc họp thôn, sinh hoạt các câu lạc bộ, chi hội…
Từ việc triển khai đồng bộ, công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở đạt kết quả tích cực. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 130.000 hội nghị, tập huấn pháp luật cho hơn 4 triệu lượt người nghe về nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau; tổ chức trên 1.500 cuộc hội thảo, tọa đàm về pháp luật với hơn 90.000 lượt người tham dự. Các cấp, ngành đã biên soạn, phát hành và cấp phát hơn 6 triệu văn bản, tài liệu tuyên truyền, PBGDPL…
Đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền
Hằng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, trong đó tập trung phổ biến các luật, nghị quyết mới ban hành, chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trên các lĩnh vực. Các cấp, ngành, đoàn thể đã chú trọng PBGDPL liên quan đến vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: pháp luật về an toàn giao thông, khiếu nại, tố cáo, đất đai, xây dựng…
Lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Lộc Bình phối hợp tuyên truyền pháp luật lưu động tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình
Trong đó, hình thức PBGDPL ngày càng đổi mới, đa dạng, phù hợp. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, vừa phát huy vai trò của công tác tuyên truyền miệng, vừa có sự sáng tạo thông qua các hình thức PBGDPL, trong đó có nhiều hình thức mới như: tuyên truyền trực tuyến, trên mạng xã hội; trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; phiên tòa giả định; biên giới với học đường…
Ngay cả trong thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác PBGDPL vẫn được triển khai đồng bộ, với những cách làm linh hoạt, đảm bảo đưa thông tin pháp luật đến Nhân dân. Chị Trần Thị Vượng, khối 12, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, chúng tôi được tiếp cận pháp luật qua nhiều hình thức. Trong khi dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi vẫn nắm bắt được các nội dung tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội, loa truyền thanh, lưu động… Qua đây, giúp chúng tôi nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.
Bà Hoàng Hải Yến, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cao Lộc cho biết: Với đặc điểm của huyện biên giới, trong 10 năm qua, thực hiện Luật PBGDPL chúng tôi đã không ngừng đổi mới, nội dung hình thức PBBGDPL, toàn huyện tổ chức được hơn 400 cuộc tuyên truyền với trên 560.000 người tham dự. Trong đó, chú trọng các đối tượng đặc thù như: đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, thanh thiếu niên, người lao động… Qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực, công tác PBGDPL ngày càng được quan tâm, góp phần vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, vào Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm (9/11), 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: treo băng rôn khẩu hiệu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, kết hợp tổng kết trao giải thưởng các cuộc thi về pháp luật… Trong 10 năm qua, toàn tỉnh tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật được trên 4.500 hội nghị, tọa đàm, thu hút được hơn 340.000 lượt người nghe.
Sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL đã mang lại những chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Đơn cử năm 2021, toàn tỉnh có 164.210/192.685 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 85% (tăng 4,2% so với năm 2020). Năm 2022, tổng số hộ đã đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 178.745/192.719 hộ, đạt 92,74%…
Bà Lê Ngọc Thùy, Trưởng Ban Tuyên giáo – Chính sách, luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh “Hằng năm, ban tham mưu cho lãnh đạo hội ban hành kế hoạch triển khai công tác PBGDPL, đồng thời chỉ đạo 100% các cấp hội triển khai công tác PBGDPL gắn với triển khai các phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm của hội. Đặc biệt, chúng tôi thành lập, duy trì hơn 200 tài khoản facebook của các cấp hội, gần 2.000 nhóm zalo từ tỉnh đến cơ sở, trang thông tin điện tử của tỉnh hội để phục vụ công tác tuyên truyền nói chung và PBGDPL nói riêng. Qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, các cấp hội đã tổ chức được hơn 20.000 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 1,7 triệu lượt hội viên và người dân tham gia… Qua tuyên truyền, nhận thức của hội viên và Nhân dân ngày càng được nâng cao, từ đó tích cực tham gia các phong trào hoạt động hội. Đơn cử nhiệm kỳ 2016 – 2021, toàn tỉnh có trên 66.000 hộ hội viên đạt 11 tiêu chí của “Gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” (tăng 4.500 hộ so với nhiệm kỳ trước), trong đó có tiêu chí “Gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”… Thượng tá Dương Văn Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma “Đồn quản lý, bảo vệ hơn 16km đường biên giới, phụ trách 3 xã: Yên Khoái, Mẫu Sơn, Tú Mịch (huyện Lộc Bình). Tại 3 xã có 19 thôn, bản, trong đó có 6 thôn, bản giáp biên, với hơn 9.000 nhân khẩu. Để tuyên truyền pháp luật hiệu quả chúng tôi lấy tổ thông tin truyền thông của đơn vị và 3 xã biên giới làm nòng cốt, biên tập đề cương, nội dung tuyên truyền về pháp luật; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và các lực lượng chức năng tổ chức các đợt tuyên truyền, PBGDPL sâu rộng trong Nhân dân và các đối tượng ở khu vực biên giới. Trong 10 năm qua, đơn vị đã phối hợp tổ chức PBGDPL được trên 200 cuộc, với hơn 17.000 lượt người nghe, tuyên truyền nhỏ lẻ cho gần 12.000 lượt người… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân khu vực biên giới, người dân đã tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp cho chúng tôi đấu tranh thành công với nhiều loại tội phạm. |
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()