Thứ 5, 06/02/2025 13:59 [(GMT +7)]
Ðạt trình độ tiên tiến trong khu vực, vẫn là một thử thách
Chủ nhật, 26/12/2010 | 08:32:00 [(GMT +7)] A A
Chỉ thị 58-CT/T.Ư ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị, đã minh chứng cho một chủ trương sáng suốt, đúng đắn và thiết thực để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nước ta. Tiếp theo, ngày 22-9-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” với một loạt mục tiêu chiến lược đến năm 2015. Đã mười năm thực hiện Chỉ thị 58, với rất nhiều những rào cản, ngành CNTT liệu có biến mục tiêu thành hiện thực?
Cho đến nay, nhận thức về tầm quan trọng của CNTT vẫn là rào cản, do một số lãnh đạo chủ chốt ở địa phương vẫn còn thờ ơ, chưa nắm bắt được 'hồn' chưa nhìn thấy giá trị sản xuất ra vật chất gián tiếp của CNTT. Vì thế, chưa thực hiện đúng với tinh thần 'CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển', là 'phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách'. Mười năm trước chúng ta đã đặt ra mục tiêu phải đạt được: 'Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hằng năm cao nhất so với các khu vực khác'. Nhưng 'có thực mới vực được đạo', để làm được điều này cần phải đầu tư tương xứng, nhất là đầu tư về nhân lực và tài chính. Thế nhưng so với các nước trong khu vực, đầu tư của nước ta còn kém xa, tỷ lệ đầu tư hiện nay mới gần 1%, GDP, trong khi đó Thái-lan, In-đô-nê-xi-a đều đã hơn 4%. Thậm chí, đến nay Niên giám thống kê Việt Nam không có mục lục dành cho ngành CNTT-TT. Chủ chương: 'Phát triển nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định với việc ứng dụng' coi con người là vấn đề tiên quyết cho mọi thắng lợi, biết rằng việc đãi ngộ thu hút nhân tài là quan trọng, nhưng vẫn chưa có chính sách đặc thù riêng cho đào tạo nhân lực CNTT. Ngoài ra đội ngũ nhân lực thiếu về số lượng và yếu về các kỹ năng chuyên sâu cũng như ngoại ngữ. Công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chỉ chiếm hơn 10% tổng doanh thu. Chỉ thị 58 đã đặt ra yêu cầu 'Tập trung đầu tư, có chính sách và giải pháp đặc biệt tham gia để bảo đảm cho các khu công nghệ cao, v.v trong đó chú trọng ưu tiên các khu công nghiệp phần mềm'. Ngoài điểm sáng là khu phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh), phần lớn các địa phương, ngay cả Hà Nội cũng chưa hình thành được khu CNTT tập trung có quy mô lớn. Công nghiệp nội dung số và công nghiệp dịch vụ tuy có sự bùng nổ, tốc độ phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng nhưng vẫn sơ khai; hành lang pháp lý điều chỉnh còn thiếu dẫn đến hoạt động lúng túng và có thể giảm sút nếu thiếu sự đồng bộ, nhất quán giữa chính sách quản lý và chiến lược phát triển.
Trong tổng số khoảng hơn 226 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT, 121 nghìn lao động làm phần cứng, 64 nghìn làm phần mềm, 41 nghìn công nghiệp nội dung số, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Sinh viên ra trường phải đào tạo lại rất nhiều mới có thể tham gia vào công việc. Đào tạo tin học phổ cập đã được triển khai khá rộng nhưng nặng về đào tạo lý thuyết. Đến năm 2006, cơ bản nước ta đã chấm dứt độc quyền với việc tham gia thị trường cung cấp cả hai dịch vụ viễn thông và In-tơ-nét, trong 10 năm qua cước các dịch vụ viễn thông đã giảm khoảng 40 đến 60%. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng phát triển viễn thông vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế: Phát triển hạ tầng viễn thông nhanh nhưng chưa bền, độ phủ sóng của mạng viễn thông không đồng đều; chất lượng và mạng lưới dịch vụ chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Sử dụng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị không đồng đều. Mật độ băng thông còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nhiệm vụ xây dựng cơ chế giá cước ưu đãi với các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống giáo dục quốc dân và viện nghiên cứu đến nay vẫn chưa thực hiện.
Trong đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh công nghệ thông tin từ nay đến năm 2015 có các mục tiêu chính: Về nhân lực sẽ đạt 30% số lượng sinh viên ra trường, đủ khả năng tham gia ngay thị trường lao động quốc tế, tỷ lệ người dân sử dụng In-tơ-nét đạt 50%. Các doanh nghiệp có đủ khả năng thiết kế, sản xuất thiết bị thay thế, giảm nhập khẩu; đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế, và sản xuất một số sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước. Cơ bản hoàn thành mạng băng thông rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối In-tơ-nét đến tất cả các trường học, phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến 85% dân cư, 30% số hộ gia đình có máy tính và truy cập In-tơ-nét, hơn 90% có máy thu hình. 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong hệ thống giáo dục, y tế… Tổng doanh thu từ những tập đoàn CNTT hơn 10 tỷ USD.
Để biến mục tiêu thành hiện thực Việt Nam phải bắt đầu với rất nhiều việc cần làm ngay, trong đó cần tập trung việc tăng tốc phát triển CNTT và TT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển CNTT-TT. Song cần có những đột phá trong phát triển, với mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn. Phát triển hợp lý cả bề rộng và chiều sâu, số lượng và chất lượng trên cơ sở phát huy nội lực, tận dụng kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn lực. Đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư kích cầu từ ngân sách Nhà nước, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, áp dụng các hình thức ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật dành cho công nghệ cao.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()