Đặt tên xã sau sắp xếp đảm bảo hài hòa các yếu tố
- Trong bối cảnh các cấp ủy đang tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, một trong những vấn đề được các cấp ủy, dư luận trên địa bàn tỉnh quan tâm hiện nay đó là việc đặt tên các xã sau sắp xếp. Mỗi huyện, thành phố đã dự kiến phương án đặt tên và đều dựa trên sự coi trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, tạo được đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân.

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn, dự kiến việc đặt tên, dự kiến nơi đặt trụ sở xã mới sau sắp xếp. Ngày 15/4, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã thông qua phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn. Theo đó, dự kiến tỉnh thực hiện sắp xếp 194 đơn vị thành 65 ĐVHC cấp cơ sở. Phương án này được xây dựng cơ bản trên cơ sở đề xuất từ các huyện, thành phố.
Qua tìm hiểu được biết, tên gọi dự kiến của các xã được đặt theo các phương án như sau: lấy tên ĐVHC cấp huyện (trước khi sắp xếp) kèm số thứ tự; lấy tên một ĐVHC cấp xã (trước khi sắp xếp); lấy tên mới có giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương.

Đơn cử tại Hữu Lũng, dự kiến huyện sắp xếp 23 ĐVHC thành 8 ĐVHC cấp xã. Ông Vũ Hoàng Quý, Bí thư Huyện ủy Hữu Lũng cho biết: Trong thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã, việc đặt tên cho các xã là nhiệm vụ chúng tôi xem xét, thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, chúng tôi dự kiến tên gọi các xã mới là tên huyện Hữu Lũng kèm số thứ tự từ 1 đến 8. Đây là phương án dự kiến, vừa giữ được tên Hữu Lũng đã gắn bó lâu đời với người dân trên địa bàn vừa có số thứ tự tạo thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu.
Còn tại huyện Tràng Định, dự kiến tên gọi 7 xã mới của huyện sẽ lấy tên ĐVHC cấp xã, cấp huyện cũ trước khi sắp xếp bao gồm: Thất Khê, Đoàn Kết, Tân Tiến, Tràng Định, Quốc Khánh, Kháng Chiến, Quốc Việt. Qua khảo sát bước đầu việc đặt tên như vậy nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, nhất là những người gắn bó lâu đời với vùng đất này.
Anh Nguyễn Văn Bách, Khu 3, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định bày tỏ: Tôi rất ủng hộ phương án đặt tên các xã mới theo dự kiến của huyện. Địa danh không chỉ đơn thuần liên quan đến quản lý hành chính mà còn cả ý nghĩa lịch sử, văn hoá và kinh tế. Ví dụ như Thất Khê là địa danh có di tính lịch sử và từ lâu đã đi vào tâm thức văn hoá của người nơi xa khi nhớ về miền biên viễn này. Đặc biệt là địa danh này còn gắn với các thương hiệu đặc sản Tràng Định như vịt quay Thất Khê, khau nhục Thất Khê, thạch đen Thất Khê,... Thứ nữa là Tràng Định rất vui mừng, phấn khởi vì đề xuất giữ lại tên Tràng Định dù chỉ còn là một xã. Tràng Định hay Trường Định là một phủ lớn của tỉnh Lạng Sơn có lịch sử rất lâu đời.
Bên cạnh đó, một số huyện cũng đề xuất đặt tên xã gồm cả tên huyện kèm số thứ tự và tên xã là tên ĐVHC cấp xã trước khi sắp xếp. Đơn cử như tại huyện Cao Lộc, sau khi sắp xếp một số xã của huyện với các xã của huyện Văn Quan và các phường của thành phố Lạng Sơn, huyện sẽ sắp xếp 4 ĐVHC cấp xã còn lại với các tên gọi đề xuất là xã Đồng Đăng, xã Ba Sơn và các xã Cao Lộc 1, 2.
Việc đặt tên xã là một trong những nhiệm vụ cần sự cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và phải nhận được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Để tạo đồng thuận trong công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, nhấn mạnh quan điểm, chủ trương sắp xếp nhằm tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian, tạo dư địa cho sự phát triển đối với các xã, phường trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tiến An, thôn Bản Luông, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn cho biết: Đặt tên xã cần giữ những tên gọi gắn với lịch sử, văn hóa. Chúng tôi cũng đồng thuận cao với việc đặt tên các xã mới là Bắc Sơn kèm số thứ tự. Bởi tên gọi Bắc Sơn đã gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhắc đến tên Bắc Sơn là người ta nhớ đến vùng đất, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, là căn cứ cách mạng quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa, là mảnh đất giàu bản sắc và hoá và truyền thống cách mạng.
Thời gian tới, ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp tiếp tục triển khai các quy trình, hoàn thiện đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã để trình Trung ương xem xét. Trong quá trình thực hiện, ban chỉ đạo các cấp tăng cường tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận cao trong Nhân dân về việc sắp xếp, đặt tên, bố trí trụ sở các xã; đảm bảo thực hiện việc sắp xếp diễn ra theo đúng lộ trình đề ra.
Ý kiến ()