Đất nước cần có thêm nhiều giai điệu “kết đoàn muôn người như một”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đất nước rất cần những giai điệu, tác phẩm âm nhạc mới có sức lôi cuốn, “kết đoàn muôn người như một” để cùng chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
Sáng 17/12, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ngành, cùng đông đáo các thế hệ nhạc sĩ, người làm âm nhạc Việt Nam.
Cách đây 60 năm, ngày 30/12/1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập. Tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7/1948).
Từ những ngày đầu thành lập, hơn 50 nhạc sĩ – nghệ sĩ từ chiến khu về Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo cho âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với những tên tuổi như: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Lương Ngọc Trác…
Ngay trong những năm tháng gian khổ kháng chiến cứu nước đã có hàng ngàn tác phẩm từ ca khúc đến nhạc kịch, ca kịch… đã được các nhạc sĩ sáng tác trên đường hành quân, trong hầm trú bom… như “Du kích ca”, “Diệt phát xít”, “Cảm tử quân”, “Tiến quân ca”… Sau 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giới nhạc sĩ vẫn viết lên những hành khúc nóng hổi tính thời sự như “Chiều dài biên giới”, “Hát mãi khúc quân hành”…
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 và bước vào thời kỳ đổi mới, âm nhạc Việt Nam không còn bó khung trong một con đường phát triển chật hẹp mà chảy theo từng dòng riêng hội nhập với thế giới.
Có thể kể đến những dòng chảy âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến (với những tác phẩm như Thiên thai, Suối mơ…), dòng chảy tình ca mang hơi thở nhạc nhẹ (các sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Ngọc Đại, Dương Thụ…), dòng chảy thính phòng – nhạc cách mạng (các nhạc sĩ Hồ Bắc, Doãn Nho, Tân Huyền…), rồi cả nhạc giao hưởng, nhạc kịch… đều có những dấu ấn nhất định.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: “Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói chung và các nhạc sĩ nói riêng đều song hành cùng dân tộc và âm nhạc Việt Nam. Đến ngày hôm nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đi được 60 năm – một chặng đường vẻ vang rất đỗi tự hào”.
Vấn đề đặt ra đối với định hướng phát triển của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện là việc đời sống âm nhạc rất phong phú, đa dạng, nhiều loại hình hơn so với 60 năm qua. Đây là giai đoạn phát triển bùng nổ. Song, từ thực tế cũng đặt ra một vấn đề là các tác phẩm mới không hay, hoặc theo xu hướng lai-căng, bắt chước, thoát ly tính dân tộc, “quốc tế hóa”…
Khi mà thế hệ nhạc sĩ lớn tuổi đang dần vắng bóng, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ đã trở thành mối quan tâm lớn không chỉ trong các nhà trường, các học viện âm nhạc mà đây còn là mối quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Bên cạnh đó là yêu cầu xây dựng, định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trong môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích, loại trừ thói lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi cả trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong suốt 60 năm qua các thế hệ nhạc sĩ, những người làm công tác âm nhạc nước nhà đã hoá thân vào cuộc sống chiến đấu, lao động, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.
Nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời đã thấm đậm hồn dân tộc, hơi thở thời đại, “những bài ca đi cùng năm tháng”.
“Với truyền thống rất đỗi hào hùng và đậm nét văn hoa của dân tộc, ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng với âm hưởng hào hùng đã trở thành vũ khí sắc bén trong các cuộc kháng chiến vệ quốc.
Ra đời trong những tháng năm đầy cam go, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh để âm nhạc cách mạng Việt Nam thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tình thần yêu con người, thiên nhiên, cuộc sống, góp phần quan trọng, không thể thiếu trong thắng lợi đấu tranh chống ngoại xâm và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng trao tặng bức trướng cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn, hết sức ý nghĩa của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người làm công tác âm nhạc của nước nhà. Trong đó có rất nhiều nhạc sĩ-chiến sĩ, nghệ sĩ-chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả máu thịt của mình, cả cuộc đời mình cho chiến thắng của dân tộc.
Nêu bật sự cần thiết của những giai điệu, tác phẩm âm nhạc mới có sức lôi cuốn, “kết đoàn muôn người như một” để đưa đất nước “vượt lên, sánh cùng bè bạn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, nhân dân rất kỳ vọng và tin tưởng những người làm âm nhạc nước nhà, bằng tất cả tài năng, tình yêu nghệ thuật và tâm huyết, sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục khơi dậy niềm tự hào, ý chí vươn lên chiến thắng giặc nghèo, hun đúc tâm hồn Việt “Chân-Thiện-Mĩ”, làm giàu thêm kho tàng văn hoá dân tộc.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội Nhạc sĩ Việt Nam không ngừng phát triển, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Hội Nhạc sĩ Việt Nam bức trướng mang dòng chữ: Hội Nhạc sĩ Việt Nam 60 năm “Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo – Hội nhập”.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()