Đất nông, lâm trường: Quản lý lỏng lẻo, sử dụng không hiệu quả
Có thể khẳng định rằng, việc hình thành và phát triển nông, lâm trường quốc doanh vào những năm trước đổi mới được xem là một trong những lực lượng nòng cốt và có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm; đồng thời cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý kinh tế trong thời kỳ đổi mới, việc sử dụng đất rừng của một số nông, lâm trường đã nảy sinh một số bất cập bởi quá trình quản lý sử dụng đất đai của các nông, lâm trường quốc doanh đã trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử.
Ngày 11-10, Quốc hội đã có buổi thảo luận về Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Tại buổi thảo luận đa số các đại biểu tán thành cơ bản với Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 và thống nhất cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ nông trường, lâm trường quốc doanh.
Quản lý đất đai chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ
Đánh giá về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh cho thấy còn nhiều tồn tại về quản lý, sử dụng đất đai chậm được khắc phục, có nơi còn diễn biến phức tạp hơn. Tình trạng giao khoán đất sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty chưa cao. Tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang hoá, đất chưa sử dụng vẫn còn khá nhiều.
Kết quả sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thực hiện chậm, hiệu quả đạt thấp, nhiều mục tiêu không hoàn thành; nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc Ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản trị đơn vị và quản lý, sử dụng đất đai; việc rà soát sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa; hầu hết nông, lâm trường sau khi được sắp xếp lại đã không thực hiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp lại; phần lớn các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp (hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích) đã không làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Báo cáo Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các nông, lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn (hơn 7,9 triệu ha, trong đó có hơn 2,4 triệu ha rừng sản xuất; 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619ha đất chưa sử dụng), tuy nhiên, đến nay các nông, lâm trường đều quản lý, sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến.
Chỉ rõ nguyên nhân buông lỏng quản lý Nhà nước trong nhiều năm qua, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, mặc dù được giao tài sản rất lớn, hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn ha nhưng nhiều nông, lâm trường vẫn nợ lương công nhân, vẫn nợ thuế, vẫn nợ ngân hàng mà gần như vô vọng, không nhìn thấy tương lai nguồn thu nào để trả nợ.
Đáng chú ý là sau khi các nông, lâm trường đã được cổ phần hóa nhưng việc quản lý vẫn lỏng lẻo, đất vẫn bị chuyển đổi trái phép, sử dụng sai mục đích. Có những nơi đã giao đất cho dân nhưng vẫn tiếp tục buông lỏng quản lý, ngay cả khi ký hợp đồng và thậm chí có những hợp đồng giao đất trái phép, không đúng thẩm quyền, gây ra bất đồng, mâu thuẫn trong dân nhiều năm, có những trường hợp các công ty giao khoán cho dân nhưng khoán trắng cho dân, mặc cho dân tự canh tác, muốn trồng gì thì trồng, muốn khai thác gì thì khai thác, rất tùy tiện nên cả việc loại cây trồng, các mức khoán, phương thức quản lý đã không thống nhất.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An), vấn đề mâu thuẫn, xung đột đất đai của người dân và các công ty nông lâm nghiệp đang xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân, theo đại biểu Hải là do người dân thiếu đất sản xuất, các công ty nông lâm nghiệp lại để đất hoang hóa nhiều. Và mâu thuẫn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, giảm cơ hội sản xuất kinh doanh.
Đề xuất giải pháp quy hoạch đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp phải hài hòa tránh bất hợp lý, bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Hải, cần tăng cường quản lý nhà nước về đất đai nói chung, định kỳ thanh tra kiểm tra các trường hợp sai phạm. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch diện tích quản lý, sử dụng đất tai các nông, lâm trường.
Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị: “Phải kịp thời rà soát, tạo sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý và quản trị doanh nghiệp, theo đó cần triển khai việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường trong sản xuất, hoạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo luật doanh nghiệp”.
Giao khoán thực chất là khoán trắng và “ phát canh thu tô”
Thực tế những nông, lâm trường có phần lớn diện tích đất đai thực hiện khoán theo Nghị định 01-CP nhưng không có đầu tư, không quản lý được quy trình sản xuất… thực chất là khoán trắng, phát canh thu tô, những đơn vị này không còn nguyên nghĩa là một doanh nghiệp nhà nước. Quyền sử dụng đất đai của doanh nghiệp chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, giấy tờ, còn quyền sử dụng đất đai và tài sản trên đất thực sự thuộc về người nhận khoán với thời gian giao khoán là 50 năm. Mối quan hệ giữa nông, lâm trường với người nhận khoán không còn nguyên nghĩa là mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động mà chuyển thành mối quan hệ hợp đồng kinh tế thông qua hợp đồng giao nhận khoán đất. Có thể nói những nông, lâm trường này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, bộ máy quản lý là một tổ chức phát canh, thu tô và tồn tại được là do nhà nước chưa thực hiện triệt để việc bắt buộc các doanh nghiệp này nộp tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất.
Tại buổi thảo luận, vấn đề việc giao đất của các nông, lâm trường có nhiều sai phạm được các đại biểu đề cập đến. Theo đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), kết quả chuyển đổi mô hình doanh nghiệp đang là hình thức về tên gọi mà chưa thay đổi phương thức quản trị và cơ chế điều hành sản xuất kinh doanh. Còn 242 nông, lâm trường quản lý, sử dụng gần 2 triệu ha đất chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật. Việc giao khoán đất cho những người giàu, những người ở thành phố, những đối tượng không trực tiếp sản xuất đang là tình trạng không kiểm soát được.
Tham gia thảo luận, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho biết, nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc”, đại biểu Xuân cho biết.
Đại biểu Trương Văn Vở cũng cho rằng, phải điều chỉnh lại cơ chế chính sách cho phù hợp vì Nghị định 01 của Chính phủ hướng dẫn khoán sử dụng đất lâu dài nhưng không rõ quyền, lợi ích của người nhận khoán phải thực hiện phân chia theo mức độ đầu tư, kể cả phân phối lợi nhuận, nếu không làm được như thế này sẽ sinh ra khoán trắng, phát canh thu tô hoặc cổ phần hóa nhưng chưa tính đến giá trị quyền sử dụng đất.
Cho rằng vấn đề khoán trắng mà thực chất là tình trạng “phát canh thu tô” và đang diễn ra ở nhiều nơi – theo đại biểu Trần Minh Diệu, nghiêm trọng hơn là người nhận khoán đất tự do chuyển nhượng, mua bán, chuyển mục đích sử dụng trái pháp luật.
Bên cạnh đó, việc giao đất cho các địa phương chậm trễ, vướng mắc. Diện tích giao lại cho người dân chủ yếu là đất xấu, đất ở xa dân cư, đất ở những địa hình khó canh tác và canh tác không có hiệu quả. Và thực tế bức xúc này, đại biểu Trần Minh Diệu cho rằng: “Đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân với các “chủ rừng”, mặc dù không đối kháng nhưng đây là mâu thuẫn trong nội bộ của xã hội đã và đang diễn ra ở không ít các địa phương. Đòi hỏi chúng ta phải thẳng thắn, nhìn nhận để có biện pháp giải quyết từ các nguyên nhân có tính gốc rễ của vấn đề”.
Cũng khẳng định giao khoán trắng một dạng của phát canh thu tô và nông, lâm trường được hưởng lợi từ các hợp đồng giao nhận khoán đất, trong khi lại không phải chịu nộp nghĩa vụ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước. Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho biết, “trong khi đó thường thì người nhận khoán phải chịu sự ràng buộc khá khắt khe từ hợp đồng giao nhận khoán. Ngoài ra, việc giao khoán đất còn bộc lộ một số khía cạnh bất hợp lý khác”.
Đại biểu Hoàng Hương cho biết thêm, khi tiếp xúc cử tri được phản ánh, ở một số công ty nông lâm nghiệp, diện tích giao khoán cao hơn khả năng tổ chức sản xuất cho người lao động dẫn tới không canh tác hết. Trong khi đó nhiều hộ dân địa phương ngay cùng khu vực thiếu đất sản xuất. Một số thuê lại đất của người lao động trong các công ty nông, lâm nghiệp về sản xuất. Thực trạng này gây ra so sánh bức xúc đối với cả người lao động cũng như trong cộng đồng dân cư địa phương.
“Thực tế còn có diễn biến theo chiều hướng khác khá phức tạp. Đó là tình trạng người nhận khoán tự chuyển đổi mục đích sử dụng. Tự chuyển nhượng đất sai quy định, cơi nới xây dựng công trình sai phép. Rất phức tạp cho công tác quản lý và giải quyết hậu quả khi có tranh chấp” – đại biểu Hoàng Hương cảnh báo.
Tiếp tục “điều chỉnh lại” cơ chế chính sách cho phù hợp
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: “Chúng ta cần nhìn nông, lâm trường quốc doanh trong một quá trình lịch sử và trong một tổng thể. Thực tế nhiều nông, lâm trường đã có những đóng góp hết sức quan trọng như những nông, lâm trường trực thuộc Tập đoàn Cao-su Việt Nam, một số công ty lâm nghiệp ở phía Bắc, Long Đại ở Quảng Bình đã hoạt động có hiệu quả năng suất cao hơn bình quân cả nước”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, chính nhờ các nông, lâm trường này mà chúng ta mới có điều kiện hình thành nên các nông, lâm trường cao-su, cà-phê… và các chính các nông, lâm trường này là nòng cốt để phát triển, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để thu mua, chế biến nông sản thúc đẩy phát triển.
Thừa nhận là trong tình hình hiện nay, nhiều nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có vi phạm, nhất là một số những nông lâm trường ở Tây Nguyên như báo cáo và ý kiến của các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhận trách nhiệm của người đứng đầu; và cho rằng khuyết điểm chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng còn kém hiệu quả. Cố gắng làm nhưng không đạt được kết quả như mong đợi, mới chỉ tập trung vào một số nông, lâm trường trực tiếp chịu sự quản lý của Bộ gồm 67 nông, lâm trường thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su, Tổng công ty Cà-phê, Tổng công ty Lâm nghiệp. Trong khi đó, việc phối hợp với các địa phương để kiểm tra, giám sát các nông, lâm trường thuộc diện quản lý của các địa phương, các đơn vị khác là còn thiếu. Khi tiến hành thanh tra, Bộ tiến hành xử lý những tồn tại vẫn còn chậm và không dứt điểm với nhiều trường hợp do những tính chất phức tạp.
Về việc đổi mới, sắp xếp lại các nông, lâm trường nhằm mục tiêu khai thác một nguồn lực to lớn để tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp và nông thôn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 30 với những chủ trương rất mạnh mẽ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang cùng với các Bộ, ngành và các địa phương phối hợp quyết liệt để triển khai nghị quyết này. Cùng với đó, Bộ cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 118, Bộ đã ban hành 4 Thông tư, các Bộ liên quan cũng đã ban hành 6 Thông tư và hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 135 về chế độ khoán ở các nông, lâm trường quốc doanh. Đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng các phương án sắp xếp và tới nay đã có 34 địa phương, đơn vị trong tổng số 41 địa phương đơn vị thuộc diện đã có phương án thẩm định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình lên Thủ tướng và đã được phê duyệt một số.
“Trên cơ sở thẩm định 205 nông, lâm trường quốc doanh, các địa phương và các Bộ đã thống nhất sẽ để lại 4 doanh nghiệp là các công ty 100% vốn sản xuất, 57 đơn vị là công ty 100% vốn nhà nước, sản xuất và làm dịch vụ, cổ phần hóa 84 công ty và thành lập 26 công ty TNHH 2 thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 4 doanh nghiệp và giải thể 28 nông, lâm trường. Ngoài ra, trên tổng số 1.974.000 ha của 205 nông, lâm trường sẽ bàn giao về cho các địa phương 325.776 ha diện tích đất” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.
Đa số các đại biểu cho rằng, cần có thái độ kiên quyết trong thu hồi những diện tích đất sử dụng thiếu hiệu quả để giao lại cho người dân quản lý, trồng rừng, sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, giao đất cho các lâm, nông trường quốc doanh nhưng sử dụng thiếu hiệu quả, thậm chí phát sinh tiêu cực; kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Các đại biểu cũng kiến nghị, cần tiếp tục công tác thanh tra, xử lý triệt để các vi phạm về sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()